MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xe điện không biển số vẫn vô tư đưa đón khách ở Hà Nội

Nhóm phóng viên LDO | 06/03/2024 06:01

Không chỉ diễn ra tình trạng xe không phù hiệu, bị tước phù hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động, theo ghi nhận của Lao Động, tại Hà Nội còn đang xảy ra tình trạng xe điện không biển số vô tư thực hiện đưa đón khách, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và cạnh tranh thiếu lành mạnh.

This browser does not support the video element.

Clip ghi nhận xe điện không biển số hoạt động đưa - đón khách ở khu du lịch.

Xe điện "3 không"

Thời gian qua, Hà Nội thí điểm cấp phép cho một số xe điện hoạt động trên địa bàn khu du lịch. Thế nhưng tại các địa điểm này, nhiều xe cũ nát, không biển số, không cấp phép, không biển hiệu cũng ngang nhiên hoạt động.

Có mặt tại khu du lịch làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) ngày 22.2, phóng viên ghi nhận tại cổng làng Mông Phụ, ban quản lý quy định cấm ôtô, xe máy của khách du lịch vào làng. Điều này được hiểu rằng, nếu không muốn đi bộ, khách du lịch chỉ có thể thuê phương tiện vào làng.

Phương tiện duy nhất xuất hiện phục vụ khách du lịch chính là xe điện. Theo quan sát của phóng viên, quanh khu vực làng cổ Đường Lâm có khoảng 20 chiếc xe điện hoạt động.

Đáng nói trong số các xe điện ở đây chỉ có 1 số xe mới được cấp biển, còn lại chủ yếu là xe cũ nát, không biển số, biển hiệu, chỉ có số điện thoại gắn lên xe.

Biển cấm phương tiện đặt ngay ở cổng làng khiến du khách hiểu, xe điện là phương tiện duy nhất được sử dụng tại đây. Ảnh: Phóng viên
Nhiều xe điện cũ, không biển số, biển hiệu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Phóng viên
Xe cũ nát không biển số tung hoành hoạt động ở Đường Lâm. Ảnh: Phóng viên

Tại khu vực Chùa Mía, trong vai một hành khách, phóng viên tiếp cận chủ của các chiếc xe điện, có số điện thoại 0984883XXX.

Quan sát bề ngoài, phóng viên ghi nhận chiếc xe này không có biển số, nhiều đoạn đã han gỉ, bong tróc, kính đã vỡ 1 miếng. Trên xe cũng không có đai bảo vệ an toàn.

Khi thấy khách hàng, một người đeo băng đỏ bảo vệ lại gần hỏi chúng tôi đi đâu?

Được biết khách về cổng làng Mông Phụ, người đàn ông này hét giá 300 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi được nói nhu cầu chỉ đi về không dừng lại thăm quan, người này có bớt xuống 200 nghìn cho một quãng đường 850m.

Khi "con mồi đã cắn câu", người bảo vệ này gọi cho một người đàn ông tên B đến chở khách. Ngồi trên xe chúng tôi cảm giác xe có thể nghiêng đổ bất cứ lúc nào.

Những chiếc xe điện cũ, phần tay cầm, các bộ phận ở khoang lái hoen gỉ

Đi xe điện quãng đường 850m, hành khách phải trả 200 nghìn đồng. Ảnh: Phóng viên

Doanh nghiệp cũng bức xúc

Việc các xe cũ, không phù hiệu hoặc bị tước phù hiệu ngang nhiên hoạt động, tranh giành khách không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn gây bức xúc cho các đơn vị kinh doanh vận tải được cấp phép cấp phù hiệu.

Chia sẻ với Lao Động, ông Hà Quang Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch Quang Lực (Công ty Quang Lực) cho biết, hiện ở Đường Lâm chỉ có 5 xe được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phép (3 xe thuộc Công ty Quang Lực, 2 xe thuộc HTX Dịch vụ vận tải du lịch Xuân Nội). Các xe này được cấp phép từ khoảng tháng 3.2023.

Ông Hà Quang Lực bày tỏ bức xúc, để có thể cấp phép, đơn vị của ông phải đầu tư mua xe mới, đầy đủ giấy chứng nhận, kiểm định an toàn. Chưa kể, để được cấp phép, tốn rất nhiều công sức, thời gian. Thế nhưng, các xe cũ nát, không biển số ngang nhiên hoạt động khiến các xe được cấp phép khó có thể cạnh tranh.

"Chúng tôi thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan chức năng đã được cấp phép hoạt động. Ngược lại chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng phải có biện pháp dẹp các xe không đăng ký. Có như vậy những người kinh doanh xe điện mới có động lực để đăng ký đầy đủ với cơ quan nhà nước" - ông Hà Quang Lực nói.

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh hoa Việt cho biết, các xe cũ nát không phép vẫn hoạt động là không đúng quy định, điều này gây ra bất bình đẳng với xe đã đăng ký. Trong khi đó đơn vị kinh doanh đã đầu tư rất lớn để mua sắm các xe mới đạt tiêu chuẩn, phí thu được bị quản lý, nộp thuế cơ quan nhà nước. “Việc cấp phép không chỉ nhằm quản lý các phương tiện kinh doanh vận tải mà còn nhằm bảo vệ các đơn vị đã đăng ký bài bản. Việc hậu kiểm xe sau cấp phép sẽ đưa phương tiện vào hoạt động quy củ” - luật sư Tình nói thêm.

Luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh hoa Việt. Ảnh: Phóng viên

Còn theo quan điểm của Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, với các phương tiện xe điện hoạt động không biển số sẽ dẫn đến tình trạng không ai bảo được ai.

“Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không làm chặt, không đảm bảo vấn đề này sẽ gây mất niềm tin với những doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính" - chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề thí điểm xe điện ở Hà Nội, ngày 25.10.2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt đề án Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh vận tải theo khu vực trên địa bàn Hà Nội phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông.

Ngày 8.2.2024, UBND thành phố Hà Nội sửa đổi quyết định bổ sung đề án này.

Theo đó, Hà Nội có 9 tuyến thí điểm xe điện như Làng cổ Đường Lâm, khu vực phố cổ, khu vực Hồ Tây, khu vực Chùa Hương, khu du lịch Bát Tràng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn