MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xe không phù hiệu, bị tước phù hiệu ngang nhiên hoạt động trái phép giữa Thủ đô

Nhóm phóng viên LDO | 05/03/2024 15:04

Cấp phép, cấp phù hiệu là biện pháp bắt buộc nhằm kiểm soát xe kinh doanh vận tải, đồng thời bảo vệ các xe hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều xe chưa được cấp phép, cấp phù hiệu, thậm chí bị tước phù hiệu vẫn hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

This browser does not support the video element.

Clip ghi nhận nhiều xe đang trong thời gian bị tước phù hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động.

Sau nhiều ngày theo dõi, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận nhiều xe đang trong thời gian bị tước phù hiệu vẫn ngang nhiên hoạt động thậm chí vô tư ra vào bến xe.

Xe bị tước phù hiệu ngang nhiên ra vào bến

Ngày 2.2.2024, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội công bố danh sách tước phù hiệu xe ôtô kinh doanh vận tải.

Theo đó, tính đến hết ngày 31.1.2024, số phù hiệu đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng là 98 trường hợp. Trong đó, các phù hiệu bị tước cụ thể như sau: container là 4, xe tải là 37, xe đầu kéo là 18, xe cố định 12, xe hợp đồng là 22, xe hợp đồng dưới 9 chỗ là 4, xe taxi là 1.

Lần theo danh sách Sở Giao thông Vận tải Hà Nội công bố, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận nhiều xe có tên trong “danh sách đen” vẫn ngang nhiên hoạt động kinh doanh vận tải.

Tiêu biểu xe mang biển số 17H - 020.79 của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Phiệt Học. Xe này được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phù hiệu xe hợp đồng.

Ngày 12.1.2024, xe mang biển kiểm soát 17H - 020.79 bị tước phù hiệu. Thời gian tước phù hiệu đến 12.3.2024.

Xe mang biển số 17H - 020.79 của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Phiệt Học dù bị tước phù hiệu, vẫn thường xuyên đỗ tại địa điểm đối diện ngõ 160 Trần Bình (Cầu Giấy, Hà Nội), đón, trả khách nhiều lần trong khoảng thời gian bị tước phù hiệu. Ảnh: Phóng viên

Sau nhiều ngày tìm hiểu, khoảng 16h20 ngày 20.2, tại đối diện ngõ 160 Trần Bình (Hà Nội), xe mang biển kiểm soát 17H - 020.79 vô tư dừng đón trả khách.

Khi được hỏi về lịch trình, lái xe 17H - 020.79 cho biết, xe chạy lúc 16h30, giá vé về thành phố Thái Bình là 120 nghìn đồng.

Lái xe cho biết thêm, bến xe của nhà xe này ở Nhổn (Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, hàng ngày xe đến đón ở vị trí đối diện ngõ 160 Trần Bình.

Lên xe, phóng viên quan sát mặc dù là xe hợp đồng (không được chạy tuyến cố định) nhưng bên ngoài và bên trong lại ghi rõ tuyến cố định Hà Nội về Thái Bình.

Cũng nằm trong danh sách các xe bị tước phù hiệu mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội công bố còn có xe mang biển kiểm soát 38B - 006.96 của Công ty TNHH Sơn Hà.

Xe này được Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cấp phép là xe cố định. Xe bị tước phù hiệu ngày 11.1.2024. Thời gian tước phù hiệu đến ngày 11.3.2024.

Xe mang biển kiểm soát 38B - 006.96 của Công ty TNHH Sơn Hà cũng nằm trong “danh sách đen” của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, nhưng vẫn ngang nhiên ra vào Bến xe Nước Ngầm, đưa đón khách. Ảnh: Phóng viên

Mặc dù ở xe có dán bảng giá niêm yết, lái xe này nói sẽ giảm giá cho khách đi chuyến Hà Nội về Hà Tĩnh lúc 16h30 phút ngày 20.2. Trên xe lúc này có vài hành khách Ảnh: Phóng viên

Theo ghi nhận của phóng viên vào hồi 15h20 ngày 20.2.2024, xe mang biển kiểm soát 38B - 006.96 không có phù hiệu vẫn ngang nhiên lọt vào Bến xe Nước Ngầm.

Lái xe của xe 38B - 006.96 mời chào đi lúc 16h. Đây là giờ xuất bến nhưng nếu có khách, nhà xe có thể đợi đến 16h20.

Về giá vé, lái xe chỉ tay lên bảng giá phân tích vé ngày hôm nay từ Hà Tĩnh ra Hà Nội là 320 nghìn đồng. Còn xe từ Hà Nội về Hà Tĩnh chỉ là 260 nghìn nhưng nếu đi thì bớt chỉ còn 250 nghìn đồng.

Nguy cơ thất thu thuế

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Ảnh: Phóng viên

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, thời gian qua nhiều xe không có phù hiệu, xe bị thu hồi phù hiệu vẫn hoạt động.

Việc này gây thiệt hại cho cơ quan nhà nước do nhà nước sẽ không thu được thuế. Hơn nữa tình trạng xe bị tước phù hiệu vẫn hoạt động sẽ gây bất bình đẳng với các nhà xe không bị thu hồi phù hiệu và làm rối loạn ngành vận tải.

“Tình trạng xe bị thu hồi phù hiệu mà vẫn hoạt động là vô tổ chức vô kỷ luật, vi phạm pháp luật về giao thông vận tải”, chuyên gia Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Tình, Phó Trưởng văn phòng luật Tinh hoa Việt cho biết, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định rõ: Đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng xe ôtô để kinh doanh vận tải trong thời gian xe ô tô bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng (Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu, biển hiệu) hoặc bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu.

Việc xe bị thu hồi phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh vận tải tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Việc này trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn người tham gia giao thông trên chính phương tiện đó cũng như các phương tiện khác.

Về mặt quản lý nhà nước gây khó khăn trong việc truy xuất truy vết các phương tiện này trong quá trình tham gia giao thông, đặc biệt xảy ra vi phạm hoặc tai nạn.

Từ những rủi ro đó, các chuyên gia đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải cũng như đơn vị quản lý như Sở Giao thông Vận tải (nơi thu hồi phù hiệu), các bến xe...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn