MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xe mất trợ lực phanh gây nguy hiểm: Nhận biết và xử lý thế nào?

Anh Tuấn (tổng hợp) LDO | 20/02/2021 20:58
Bầu trợ lực phanh hay còn gọi servo trợ lực thắng là một chi tiết trong hệ thống phanh. Trong quá trình di chuyển, nếu xe của bạn có dấu hiệu bị lỗi bầu trợ lực phanh, thì bạn cần bật ngay đèn cảnh báo, tấp xe vào lề đường và đưa xe đến garage để kiểm tra.

Toyota Việt Nam thực hiện Chương trình triệu hồi để kiểm tra và thay thế bầu trợ lực phanh trên xe tổng cộng 1.935 chiếc Toyota Hilux nhập khẩu. Chiến dịch được thực hiện từ ngày 5.3.2021 tại tất cả các đại lý Toyota trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia ôtô, phanh là hệ thống dễ xảy ra sự cố, xe bị mất phanh, hoặc mất trợ lực phanh đe dọa sự an toàn của người lái, hành khách và cả những người xung quanh, có thể dẫn đến tai nạn liên hoàn. Vậy, làm thế nào để nhận biết, cũng như xử lý nếu không may rơi vào tình huống bất ngờ trên?

Dấu hiệu nhận biết

Pedal phanh cứng, nặng

Nếu xe vận hành bình thường, bầu trợ lực phanh hoạt động tốt thì bàn đạp sẽ nhẹ và không cứng, nhưng nếu chi tiết này bị hư hỏng vì một lý do nào đó, pedal phanh sẽ cứng hơn rất nhiều. Hãy chú ý cảm nhận khi bạn đạp phanh có thể đó là dấu hiệu để thay thế bầu trợ lực phanh.

Bàn đạp phanh cao hơn bình thường

Khi bầu trợ lực phanh bị lỗi, bạn còn có thể thấy bàn đạp phanh cao hơn bình thường. Khi đó bạn sẽ cần nâng cao chân hơn khi đạp phanh. Nếu thấy dấu hiệu này bạn cần mang xe tới garage để kiểm tra và sửa chữa.

Toyota thực hiện chương trình triệu hồi gần 2.000 xe Hilux nhập khẩu để thay thế bầu trợ lực phanh. Ảnh minh hoạ: Toyota

Tốc độ động cơ không đều

Bầu trợ lực phanh có một màng cao su không cho không khí đi vào buồng áp thấp và buồng áp thấp này được nối với đường ống nạp động cơ. Nếu như màng cao su bị hở, hoặc động cơ bị khựng, bị chết máy khi bạn đạp phanh - thì đây là những dấu hiệu xe của bạn đã gặp lỗi bầu trợ lực phanh.

Cách xử lý khi phanh xe không hoạt động

Trong trường hợp xe mất phanh hoàn toàn, tức phanh chân không còn khả năng hoạt động, cách xử lý tốt nhất là người lái nên bật ngay đèn cảnh báo nguy hiểm, sau đó bình tĩnh xử lý.

Hãm tốc độ của xe bằng cách phanh bằng hộp số, đối với xe số sàn, người lái nên trả về số thấp nhất.

Đối với những mẫu xe có hộp số tự động, người lái có vẫn có thể dồn số bằng lẫy số tay hoặc số D+/- để phanh xe. Sau đó, cần đưa xe ngay đến garage để xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn