MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn ở Hà Nội. Ảnh: Xuyên Đông

Xe vi phạm nồng độ cồn bị tạm giữ nếu hư hỏng có được bồi thường?

Xuyên Đông LDO | 20/01/2024 18:46

Nhiều người thắc mắc xe của họ bị tạm giữ do vi phạm nồng độ cồn. Nếu xe bị hư hỏng có được bồi thường hay không?

Anh Nguyễn Tiến Hải ở Bắc Ninh hỏi: "Tôi vừa bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Ngoài bị phạt tiền, xe máy của tôi bị tạm giữ. Trong quá trình bị tạm giữ, xe của tôi bị hư hỏng có được bồi thường hay không?".

Trả lời vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết, Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ như sau:

Người lập biên bản tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho đến khi bàn giao tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho người quản lý, bảo quản.

Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.

...

Như vậy, cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ, ra quyết định tạm giữ xe vi phạm luật giao thông trong đó có liên quan vi phạm nồng độ cồn có trách nhiệm quản lý, bảo quản xe bị tạm giữ cho đến khi bàn giao phương tiện cho chủ xe. Xe bị tạm giữ bị hư hỏng, mất linh kiện thì cảnh sát ra quyết định tạm giữ chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cảnh sát giao thông giao cho người quản lý, bảo quản xe bị tạm giữ thì người đó có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản. Nếu xe bị tạm giữ bị hư hỏng, mất linh kiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cảnh sát giao thông quyết định tạm giữ xe bị tạm giữ.

Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .

Cụ thể, đối với xe máy:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Mức phạt nồng độ cồn với ôtô như sau:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Về việc giữ xe vi phạm nồng độ cồn, Luật sư Nguyễn Thu Trang cho biết thêm, tạm giữ xe (hay tạm giữ phương tiện) là một hình thức xử phạt được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Người có thẩm quyền xử phạt nồng độ cồn được phép tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm nồng độ cồn kể trên. Như vậy, vi phạm nồng độ cồn có thể bị giữ xe đến 7 ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn