MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm hành vi tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô là hành vi bị nghiêm cấm. Ảnh: Lâm Anh.

Ý kiến xung quanh việc Bộ Công an đề xuất cấm tua công-tơ-mét

LÂM ANH LDO | 07/09/2023 09:45

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Bộ Công an đề xuất đưa nhiều nội dung liên quan đến phương tiện vào hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi tua công-tơ-mét ôtô.

Công-tơ-mét (odo) là đồng hồ đo quãng đường của xe đã đi. Dựa vào con số hiển thị, người mua xe cũ sẽ có căn cứ để chăm sóc, bảo dưỡng xe vào thời điểm thích hợp. Trong thị trường xe ôtô cũ, việc xe đi ít hay nhiều là yếu tố tác động không nhỏ đến giá trị của phương tiện khi mua bán bởi có liên quan đến độ hao mòn của chiếc xe.

Trước nhu cầu khá lớn trong thị trường xe ôtô cũ, thực tế cho thấy một số garage đã thực hiện việc "tua odo", là làm con số hiển thị ít hơn số km thực mà xe đã lăn bánh.

Theo các chuyên gia, việc bổ sung việc tua công-tơ-mét vào hành vi bị nghiêm cấm là cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt, ngăn chặn tình trạng này xảy ra, giúp đảm bảo an toàn kỹ thuật cho phương tiện.

Về đề xuất của Bộ Công an, nhiều người nhanh chóng bày tỏ sự đồng tình, anh Trần Hưng (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng, tua odo là một hành vi gian dối đáng bị lên án, nên đưa vào luật với chế tài đủ tính răn đe, thậm chí có thể đưa vào khung hình sự... nhằm tạo lòng tin cho người mua xe cũ.

"Theo tôi mỗi lần phương tiện đi đăng kiểm theo chu kì thì cần ghi lại số odo nhằm có căn cứ để kiểm soát"- anh Hưng đưa ra ý kiến.

Cũng cho rằng đề xuất cấm tua odo của Bộ Công an lần này là phù hợp, bởi con số trên đồng hồ công-tơ-mét là yếu tố quan trọng tác động đến giá trị xe, anh Minh Trí (Quận 7, TPHCM) nhấn mạnh việc nhiều nước trên thế giới, việc thay đổi để con số trên công-tơ-mét nhỏ hơn so với thực tế là một hành vi có thể phải ngồi tù nhiều năm.

"Việt Nam cũng nên áp dụng vì qua đó cũng đánh giá được chất lượng xe đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông"- anh Trí cho hay.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, quy định hiện hành tại Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công-tơ-mét, thay thế phụ tùng để đưa xe đi kiểm định, do đó, lực lượng chức năng chưa có căn cứ để xử phạt.

Luật sư cho biết, nếu muốn đưa hành vi tua đồng hồ đo công-tơ-mét vào một trong những hành vi bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải thỏa mãn yếu tố nguy hiểm cho xã hội.

Nếu tính chất nguy hiểm là không đáng kể thì không thể được xem là hành vi tội phạm và sẽ bị xử lý bằng biện pháp khác như xử phạt hành chính hoặc bồi thường dân sự, dựa theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn