MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo cũng quy định không được lắp đèn màu đỏ và các tấm phản quang ở phía trước xe. Ảnh: Lâm Anh

Yêu cầu an toàn kỹ thuật có thể áp dụng với đèn chiếu sáng trên xe cải tạo

LÂM ANH LDO | 16/11/2023 17:41

Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 có quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã quy định riêng yêu cầu an toàn kỹ thuật về đèn chiếu sáng đối với xe cơ giới cải tạo.

Bộ GTVT đang xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Theo dự thảo, xe cơ giới cải tạo phải trang bị các loại đèn chiếu sáng và tín hiệu như: đèn chiếu sáng phía trước gồm đèn chiếu xa (đèn pha) và đèn chiếu gần (đèn cốt), đèn báo rẽ, đèn cảnh báo nguy hiểm, đèn vị trí, đèn phanh, đèn lùi, đèn soi biển số sau.

Đèn chiếu sáng phía trước sử dụng trên xe phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 35:2010/BGTVT - "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ" hoặc một trong các quy định UNECE phiên bản tương đương hoặc cao hơn.

Các đèn chiếu sáng và đèn tín hiệu phải được lắp đặt chắc chắn, bảo đảm duy trì các đặc tính quang học của chúng khi xe vận hành. Ngoài ra, các đèn chiếu sáng phía trước, đèn báo rẽ, đèn vị trí, đèn phanh phải được lắp thành cặp và phải cùng màu, được lắp vào xe đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định không được lắp đèn màu đỏ và các tấm phản quang ở phía trước xe. Không được lắp đèn có ánh sáng trắng hướng về phía sau, ngoại trừ đèn lùi. Đối với đèn chiếu sáng phía trước, khi bật công tắc đèn chiếu gần, tất cả các đèn chiếu xa phải tắt và phải có báo hiệu làm việc khi sử dụng đèn chiếu xa.

Bộ GTVT đang đề xuất nhiều điểm mới cho phép chủ xe độ, thay đổi các chi tiết trên ôtô mà không cần lập hồ sơ xe cơ giới cải tạo. Ảnh: Anh Tú

Đối với đèn lùi phải bật sáng khi cần số ở vị trí số lùi và công tắc khởi động động cơ đang ở vị trí mà động cơ có thể hoạt động được. Đèn lùi phải tắt khi một trong hai điều kiện trên không thỏa mãn. Đèn soi biển số phải sáng khi bật đèn chiếu sáng phía trước, không thể tắt và bật được bằng công tắc riêng.

Trong khi đó, đèn phanh phải bật sáng khi người lái tác động vào hệ thống phanh chính. Trong trường hợp dùng kết hợp với đèn hậu, đèn phanh phải có cường độ sáng rõ rệt hơn so với đèn hậu.

Đối với đèn báo rẽ, tất cả các đèn báo rẽ ở cùng một bên của xe phải nhấp nháy cùng pha. Tần số nhấp nháy từ 60-120 lần/phút. Thời gian từ khi bật công tắc đến khi đèn phát tín hiệu báo rẽ không quá 1,5 giây.

Ngoài ra, các đèn cảnh báo nguy hiểm phải nháy đồng thời và cùng tần số. Đèn cảnh báo nguy hiểm có thể dùng kết hợp với đèn báo rẽ.

Bên cạnh đó, theo đề xuất của Bộ GTVT, ôtô lắp đặt thêm một số phụ kiện mà không thay đổi kết cấu, công năng và hệ thống vận hành thì được miễn làm thủ tục cải tạo khi đăng kiểm.

Cụ thể, thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận theo quy định mà không cần gia công, lắp thêm đèn sương mù dạng rời, lắp thêm giá nóc cho ôtô con mà không làm thay đổi chiều rộng xe thì không cần lập hồ sơ thiết kế cho xe cơ giới cải tạo.

Cùng với đó, chủ xe cũng có thể "độ" các chi tiết, bộ phận của phần thân vỏ như mặt ca-lăng, cánh lướt gió, bậc bước chân nhưng không làm thay đổi kích thước tổng thể của xe cũng được coi là hợp lệ khi đăng kiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn