Ruộng của nông dân Thái Thụy liên tục bị ngập úng, lúa chết khi vừa gieo cấy
Những ngày đầu tháng 3.2024, phản ánh thông tin đến phóng viên Lao Động, bà con nông dân tại tổ dân phố Bao Trình (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bức xúc cho biết, bà con canh tác trồng lúa một năm hai vụ tại khu vực cánh đồng xứ Đông Biên và Nam Biên, tức phía Đông của dự án tuyến đường bộ ven biển chạy qua và dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Liên Hà Thái.
Từ vụ chiêm xuân năm 2023, quá trình san lấp xây dựng KCN, nước mặn xả ra từ cát san lấp khiến dòng chảy qua miệng cống trước đây làm nhiệm vụ tiêu thoát nước buộc phải be, đắp lại dẫn đến không còn điểm tiêu thoát nước từ nội đồng. Đến vụ chiêm xuân 2024, lúa của bà con cứ cấy xuống lại bị ốc bươu vàng ăn sạch do nước ngập úng, khó tiêu thoát.
Sau khi Báo Lao Động đăng tải các bài viết phản ánh tình trạng nói trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, UBND huyện Thái Thụy và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc, đồng thời đưa ra giải pháp kịp thời.
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Green i-Park nạo vét tuyến kênh từ cống qua đường ven biển đến cống Mai Diêm và các tuyến kênh thi công khác để tiêu nước cho cánh đồng xứ Đông Biên và Nam Biên của tổ dân phố Bao Trình (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) đề phòng mưa lớn gây ngập úng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công trạm bơm chống ngập Mai Diêm.
Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường về các địa phương để hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh nói chung và có biện pháp xử lý ốc bươu vàng nói riêng trên đồng ruộng gây hại cho lúa và chăm sóc lúa xuân năm 2024.
Bà con nông dân sau đó đã viết thư cảm ơn Báo Lao Động cùng các phóng viên đã tích cực, kịp thời vào cuộc để phản ánh sự việc trước công luận, mang lại hiệu ứng nhanh chóng, giúp bà con yên tâm sản xuất, bám đồng ruộng.
Đến đầu vụ mùa 2024 vừa qua, nông dân ở cánh đồng Đông Biên lại tiếp tục phản ánh tình trạng lúa bị thối rễ, chết do đồng ruộng bị ngập úng trong nhiều ngày và phóng viên Lao Động lại về địa phương để tìm hiểu, đồng hành cùng bà con.
Bơm cát làm đường gây thiệt hại lúa của nông dân nhưng chậm trễ đền bù
Cuối tháng 6.2024, qua phản ánh của bà con nông dân và báo cáo của UBND xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) PV Lao Động được biết, thời gian qua, quá trình nhà thầu tiến hành bơm cát san lấp, đắp nền phục vụ thi công tuyến đường số 3 (thuộc Dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình) đã gây nhiễm mặn, ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ xuân 2024 của nông dân quanh vùng dự án.
Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đơn vị thi công vẫn chần chừ, chậm trễ đền bù hỗ trợ thiệt hại cho bà con.
Theo thống kê của UBND xã Nam Hồng, ngay tại thôn Đông Biên Nam, tổng diện tích lúa xuân 2024 của bà con nông dân bị thiệt hại từ 70% năng suất trở lên khoảng hơn 60 sào, tổng diện tích bị thiệt hại 35% năng suất, khoảng hơn 28 sào. Tổng diện tích bị ảnh hưởng 35% năng suất ở 2 thôn khác là Tam Bảo và Viên Ngoại là trên 96 sào.
Ngày 28.6, UBND xã có văn bản số 51/CVĐĐ-UBND gửi Công ty Cổ phần Nhân Bình đề nghị thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho bà con nhưng đến ngày 7.7, doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán, bồi thường hỗ trợ cho nhân dân.
Sau khi Báo đăng, ngày 8.7, Công ty Cổ phần Nhân Bình đã trực tiếp về địa phương để phối hợp làm việc và chi trả, thanh toán tiền hỗ trợ, đền bù cho nông dân trên địa bàn xã. Theo đó, công ty đã chi trả, thanh toán tổng số tiền hơn 193 triệu đồng hỗ trợ, đền bù cho nông dân các thôn Đông Biên Nam, Tam Bảo và Viên Ngoại.
Tiếp đó, trước quan ngại của người dân và chính quyền địa phương về việc đồng ruộng bị nhiễm mặn sẽ còn ảnh hưởng đến việc canh tác lúa vụ mùa 2024 và các vụ sản xuất tiếp theo, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo, phối hợp với đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, UBND xã Nam Hồng và Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải đã tổ chức thực hiện thí nghiệm hiện trường kiểm tra độ mặn của nước, cát để đánh giá mức độ ảnh hưởng và có giải pháp phù hợp cho bà con.