MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người được cứu sống trong vụ sạt lở núi tại huyện Si Ma Cai (Lào Cai) một ngày sau bão số 3. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Bão đi qua, hiểm nguy luôn “ở lại” rình rập

Hoàng Văn Minh LDO | 10/09/2024 06:00

Nhiều người thường thở phào nhẹ nhõm khi một cơn bão lớn đi qua, nhưng ít ai chú ý đến những hiểm nguy vẫn "ở lại" rình rập.

Ngày 9.9, một ngày sau khi siêu bão số 3 kết thúc quá trình tàn phá nhiều địa phương miền Bắc, đã có quá nhiều sự kiện nóng, đau lòng liên quan đến sự an toàn của người dân.

Đầu tiên là vụ sập cầu Phong Châu bất ngờ xảy ra ở xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ làm nhiều phương tiện đang di chuyển rơi xuống sông (1 xe ôtô tải, 2 xe ôtô đầu kéo, 6 xe môtô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Đây có thể xem là một sự cố hy hữu trong ngành cầu đường Việt Nam suốt mấy chục năm qua.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ nêu, nguyên nhân sập cầu là do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết...

Tiếp theo là vụ sạt lở đất đá ở Cao Bằng khiến một chiếc xe khách chở 20 người (bao gồm cả lái xe) bị cuốn trôi xuống sông. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 4 thi thể.

Tại Lào Cai thì có liên tiếp 3 vụ sạt lở đất trong ngày ở 3 địa phương khác nhau khiến nhiều người tử vong, mất tích...

Sau bão, thường là những cơn mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng, dù ở đồng bằng hay miền núi, và đây chính là thời điểm nguy hiểm nhất, gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Giờ đây, mỗi khi có mưa lớn, tình trạng ngập lụt và sạt lở đồi núi từ miền núi đến đồng bằng lại xảy ra. Các nguyên nhân như thời tiết cực đoan, rừng bị suy giảm, quy hoạch chưa hợp lý… đã được đề cập nhiều lần, nên không cần bàn thêm nữa.

Điều đáng nói bây giờ là vẫn còn tâm lý chủ quan và trạng thái “xả hơi” của người dân cũng như lãnh đạo các địa phương sau những ngày đêm căng mình huy động mọi nguồn lực để chống bão.

Thêm vào đó, công tác phòng chống bão có thể được điều hành bằng mệnh lệnh, yêu cầu người dân "tự quản tại chỗ". Nhưng để phòng chống ngập lụt, đặc biệt là sạt lở đồi núi, cần có bản đồ cảnh báo ngập lụt, bản đồ sạt lở, kèm theo rào chắn, biển báo... để người dân có thể chủ động phòng tránh.

Những bản đồ này cần được công bố, tuyên truyền và có biện pháp phòng ngừa trước mỗi mùa mưa bão, thay vì chờ đến khi xảy ra sự cố, mất mát mới làm. Đáng tiếc là hiện nay, không phải địa phương nào "có nguy cơ" cũng có những bản đồ này.

“Rất cần một hệ thống phân tích các nguy cơ, rủi ro trên cơ sở lập bản đồ thiên tai, quy hoạch vùng nguy hiểm. Từ đó, đưa bản đồ này xuống từng địa phương để kịp thời cảnh báo người dân” - Giáo sư Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam, đã phát biểu như vậy trên Báo Lao Động hồi tháng 7.2024, khi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng nhất tại xã Yên Định (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), khiến 11 người chết và 4 người bị thương.

Đến thời điểm này, đề xuất đó vẫn chỉ là chuyện "rất cần" đối với nhiều địa phương, chứ chưa trở thành hiện thực.

Hiểm họa từ thiên tai thì không thể nói trước được điều gì. Nhưng thiệt hại từ thiên tai thì có thể giảm và tránh được nếu có sự chuẩn bị bài bản cộng với tâm lý không chủ quan trong bất kỳ tình huống nào!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn