MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bạo lực gia đình: Hãy lên tiếng trước các con số đau lòng

LÊ PHI LONG LDO | 21/04/2022 09:12
Theo kết quả điều tra quốc gia năm 2021, 32% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả còn cho thấy, năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP.

Những con số trên rất đáng để suy ngẫm. 

“Gia đình là nơi để yêu thương” - câu nói trên không bao giờ sai, gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi để chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc, chở che mỗi khi được trở về. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng bạo lực gia đình đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít người khi trở về với ngôi nhà thân thương của mình.

Theo thống kê xã hội học, xét trên bình diện giới tính, 90% nạn nhân của bạo lực là nữ giới nhưng cũng có 10% nam giới là nạn nhân của các bà vợ. 

Theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi - Viện Xã Hội Học Việt Nam thì các hành vi lạm dụng, cưỡng bức tình dục, lăng mạ, sỉ nhục, ngoại tình... chưa được nhiều người xem là các hình thức bạo lực gia đình và với đa số hành vi bạo lực gia đình chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến chết người, bị thương.

Bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, như đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc. 

Bạo lực gia đình được xem là một vấn nạn mang tính toàn cầu, và hậu quả của nó là nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời gây ra những tiêu cực về mặt xã hội. 

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất là do tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội hiện nay; nguyên nhân tiếp theo gây nên tình trạng bạo lực gia đình chính là sự cam chịu từ phía nạn nhân, mà cụ thể nhất là phía người vợ và những đứa trẻ. Một nghiên cứu xã hội học cho thấy, nhiều trẻ em có biểu hiện bất thường về tâm lý thì đã hết 25% nguyên nhân là do hệ lụy của nạn bạo lực gia đình. 

Trong số 39% phụ nữ cho biết từng chịu bạo lực gia đình có đến 76% thường bị đe doạ nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm.

Cách đây vài ngày, mạng xã hội xôn xao khi tại Quảng Bình xuất hiện hình ảnh 2 đứa trẻ lang thang trên cầu Nhật Lệ, rồi khu vực TP.Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), nhất quyết không chịu về nhà ở huyện Quảng Ninh - cách TP.Đồng Hới chừng 20km vì sợ bố đánh đập. Việc các cháu bị đánh đã trở thành nỗi ám ảnh đến nỗi không dám bước chân vào nhà - đây là một ví dụ quá đau xót.

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7.2008 nhưng hiện tượng bạo lực vẫn chưa thuyên giảm, một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng. 

Nghiên cứu ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Cơ quan liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện đã tiến hành điều tra trên gần 1.100 phụ nữ cho thấy, có đến 64% trong số họ cho biết đã từng chịu bạo lực gia đình. Đáng lo ngại là các hành vi bạo lực nghiêm trọng bị lặp lại nhiều lần.

Vì vậy, phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay, gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới vững bền. 

Để chấm dứt bạo lực gia đình, chúng ta hãy cùng lên tiếng, chủ động lên tiếng, tố cáo các hành vi bạo lực, đừng im lặng trước nỗi đau như vậy!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn