MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân rất dễ dàng mua bảo hiểm xe máy, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi đòi quyền lợi bảo hiểm từ doanh nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn

Bắt buộc mua bảo hiểm xe máy: Thêm bực khi làm thủ tục đòi quyền lợi

ANH THƯ (TH) LDO | 28/09/2022 11:01
Nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm trước đề xuất xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy.

Như báo chí đã thông tin, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời kiến nghị của cử tri về việc xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy.

Cử tri cho rằng, chỉ nên khuyến khích tham gia loại bảo hiểm này bởi hiện nay việc lập thủ tục bồi thường khi xảy ra sự cố rất phức tạp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Theo Bộ Tài chính, năm 2019, tổng doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe cơ giới khoảng 3.600 tỉ đồng (riêng xe máy 929 tỉ đồng), tổng bồi thường 841 tỉ đồng (riêng xe máy khoảng 50 tỉ đồng). Vấn đề này chưa tính đến dự phòng bồi thường.

Bàn luận về vấn đề này, bạn đọc Lê Yến Ngọc cho rằng: "Chủ trương phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự là đúng. Song có điều lạ lắm, hình như không nhiều người được hưởng quyền lợi khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, mỗi khi gặp tai nạn, dân tình đều bỏ qua".

Đồng quan điểm, bạn đọc Thế Đạt bày tỏ: "Tôi đồng ý mua bảo hiểm cho xe máy, thậm chí giá thành cao hơn cũng được. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào bán bảo hiểm cho tôi phải có hợp đồng rõ ràng, cam kết bồi thường ra sao? Vì những người xung quanh tôi chưa thấy ai được giải quyết đền bù".

Theo bạn đọc Nam Nguyễn, mua bảo hiểm không phải là vấn đề, mà quan trọng doanh nghiệp bán phải cho người mua thấy được lợi ích khi tham gia loại hình này.

"Chúng tôi không tiếc tiền đâu mà chủ yếu thêm bực vào người khi có chuyện xảy ra. Bên bảo hiểm làm việc chậm và người dân còn xin xỏ mới chịu giải quyết. Bộ Tài chính muốn người dân ủng hộ nên làm cam kết giải quyết cho người mua bảo hiểm" - bạn đọc Nam Nguyễn nói thêm.

Từng liên hệ với bên bảo hiểm khi xảy ra va chạm giao thông, bạn đọc Nguyễn Thắng bức xúc: "Lúc đó, bên bảo hiểm đưa tờ đơn nói về phường xác nhận rồi họ thanh toán.

Song, bên phường nhất quyết lắc đầu vì tiêu đề và nội dung đơn không khớp. Sau đó, tôi trao đổi lại thì bên bảo hiểm quy chụp luôn là đơn đó, mọi người làm đều được, yêu cầu tôi về xem lại".

Bạn đọc Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Vợ tôi đâm vào xe người khác. Vợ tôi có gọi điện trình bày các kiểu, tuy nhiên không có ai quan tâm, không hề có cuộc điện thoại phúc đáp nào của bên bảo hiểm".

"Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là loại hình rất văn minh, tuy nhiên ở Việt Nam không được xem trọng. Bởi, với những vụ tai nạn nhỏ đa phần chủ xe tự thoả thuận vì nếu đợi công an lập biên bản thì sẽ bị giữ xe chờ giải quyết. Với những vụ lớn, nghiệm trọng thì tiền bảo hiểm lại không thấm vào đâu nên đa phần không ai quan tâm" - Bạn đọc Nguyễn Tuấn nói.

Bạn đọc Lê Bảo bày tỏ quan điểm: "Để được mấy đồng bảo hiểm, bắt buộc phải có công an xác nhận tai nạn, và chưa cần biết đúng sai, cứ mang xe về đồn trong một số ngày chờ giải quyết. Cả hai bên sẽ chịu phí trông xe. Không có xe đi lại, nên người ta bỏ luôn".

Bạn đọc Đặng Vũ cho rằng, bảo hiểm là giao dịch dân sự giữa người mua và doanh nghiệp bán bảo hiểm. Vì vậy, chỉ nên tuyên truyền lợi ích của bảo hiểm, bớt các thủ tục rườm rà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn