MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họp lớp là dịp những bạn bè cũ được ngồi bên nhau, nhớ lại những kỷ niệm còn trên ghế nhà trường. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Buồn vui họp lớp dịp Tết

Quế Chi LDO | 11/01/2023 11:22
Tết là dịp hiếm hoi nhiều người cùng trở về quê, vì vậy, đây cũng là lúc những người học cùng nhau trước kia tổ chức họp lớp.

Họp lớp là dịp để những người đã từng chung nhau một mái trường nhớ lại thời áo trắng - thời gian mà chắc hẳn ai cũng có điều gì nuối tiếc - thăm hỏi nhau về cuộc sống hiện tại, cũng như kết nối, hỗ trợ nhau trong công việc. 

Bà Trần Thị An (quê huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) kể, lớp của bà ra trường vào năm 1977, nhưng mãi 20 năm sau, nhiều thành viên mới hô hào họp lớp được. Lý do là, sau khi ra trường, mỗi người một phương, một nghề, nhiều người còn khó khăn về kinh tế, bận mưu sinh nên gần như không nghĩ đến chuyện gặp lại nhau. 

“Nhưng khi gặp lại nhau, mọi người rất xúc động. Hàng chục năm trôi qua, bạn bè đều đã khác xưa, nhưng mỗi khi nhắc về cái thời phấn trắng, bảng đen, ai cũng bồi hồi” – bà An chia sẻ. 

Theo bà An, 20 năm gặp lại, nhiều thành viên trong lớp đã rất thành đạt, có người giữ chức vị khá cao, nhưng cũng có một số người vẫn còn lận đận. Có người trước đây học giỏi, nhưng ra đời vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ngược lại, có người học bình thường, nhưng lại thành công hơn, có cuộc sống tốt hơn. 

“Nhưng mọi người đều không nhắc đến chuyện giàu nghèo. Người nào có điều kiện hơn thì hỗ trợ quỹ nhiều hơn người khác. Mọi người đều bảo, chức vị cao, giàu có là ở nơi khác, còn khi về hợp lớp, vẫn mãi là bạn bè của nhau” – bà An cho hay. Vì vậy, lớp của bà đã duy trì hợp lớp vào mỗi dịp Tết đã từ nhiều năm nay. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn đi họp lớp, lý do nhiều khi chỉ là sự không tế nhị của bạn bè, từ những câu hỏi vô duyên. Cái giàu, cái nghèo khi đi họp lớp rất dễ bị “trật” ra qua quần áo, đồ dùng, qua xe cộ, qua cử chỉ, điệu bộ. Người có điều kiện hơn thì có xu hướng tự tin hơn những người không may còn lận đận, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều khi chỉ cần một câu nói cũng có thể khiến những người bạn cuộc sống còn nhiều vất vả thấy tủi. 

Anh Lê Văn Hào (trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) kể, có lần anh đi học lớp cấp III. Một nhóm bạn có chức vị, hoặc kinh doanh, làm ăn tốt tụ tập ngồi với nhau, bàn tán rôm rả chuyện đổi xe ô tô nào, mua bất động sản ở đâu. Những người bạn này có thể không có ý khoe khoang, nhưng những câu chuyện của họ vô tình sẽ khiến những bạn học cuộc sống còn nhiều vất vả sẽ cảm thấy mất đi sự tự nhiên. Họ không thể tham gia vào những câu chuyện này. 

“Tôi mong, khi đi họp lớp, mọi người đừng có những câu nói vô tình làm tổn thương những người bạn của mình. Hãy dành thời gian đó để ôn lại những kỷ niệm xưa khi cùng ngồi trên ghế nhà trường; bàn cách hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có cuộc sống tốt hơn. Đó mới là buổi họp lớp mà mọi người đều muốn có mặt, chứ không phải tham gia mà cảm thấy lạc lõng, thiếu tự nhiên ngay bên bạn bè năm xưa của mình” – anh Hào nêu ý kiến. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn