MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Hòa Bình đưa ra chính sách hỗ trợ 1 tỉ đồng cho giáo sư về dạy tại Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ. Ảnh: HVT

Cần bãi bỏ quy định thu hút giáo sư về dạy trường phổ thông chuyên

QUANG ĐẠI LDO | 13/03/2022 06:30
Ý tưởng thu hút giáo sư về dạy trường phổ thông chuyên của tỉnh Hòa Bình không phù hợp thực tế và vướng luật, bất khả thi.

Điều 68 - Luật Giáo dục 2019 quy định: “Giáo sư (GS), phó GS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm”.

Do đó, việc GS từ cơ sở giáo dục đại học xuống dạy phổ thông là không phù hợp với quy định của Luật Giáo dục. Mặt khác, khi về biên chế ở trường phổ thông thì GS đã từ bỏ chức danh được trường đại học (ĐH) bổ nhiệm, trong khi trường phổ thông không có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh GS.

GS về công tác tại trường phổ thông không phù hợp với quy trình tuyển dụng, tiếp nhận viên chức hiện hành. Theo quy định, có hai hình thức gồm tiếp nhận và tuyển dụng viên chức. Trường ĐH không thể ký quyết định cho GS chuyển công tác về trường phổ thông, vì như thế là trái Luật Giáo dục.

Trường hợp GS xin nghỉ việc ở trường ĐH, rồi tham gia tuyển dụng viên chức thì rất khó xử lý về mức lương. Về hệ số lương, giảng viên cao cấp (GS đều là giảng viên cao cấp) có hệ số lương từ 6,2 đến 8,0; trong khi giáo viên hạng I bậc phổ thông là từ 4,0 đến 6,38. Nghĩa là bậc cao nhất của giáo viên THPT cũng mới tương đương bậc khởi điểm của giảng viên cao cấp.

Trình độ đào tạo, môi trường công tác, đối tượng giảng dạy của GS hoàn toàn khác biệt với giáo viên phổ thông: Trong các cơ sở giáo dục đại học, giảng viên cao cấp (mã số V.07.01.01), có nhiệm vụ giảng dạy; đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ; viết giáo trình, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, đào tạo chuyên sâu.

Trong khi đó, đối tượng của giáo viên trường chuyên là học sinh THPT lứa tuổi vị thành niên, nhiệm vụ của bậc học này là giáo dục toàn diện ở mức độ phổ thông, với mục tiêu “chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động”...thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu giáo dục đại học và sau đại học. Ôn luyện học sinh thi quốc gia, quốc tế không phải là nhiệm vụ chính của giáo viên.

GS nếu về dạy phổ thông không thể làm việc ngay, mà phải trải qua quá trình làm quen, học hỏi, thậm chí phải đào tạo lại. Ít nhất GS phải học lại chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên mới đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Đưa GS về làm giáo viên phổ thông là sự lãng phí nguồn lực chất xám, ảnh hưởng môi trường giáo dục. Phía trường ĐH mất một giảng viên cao cấp, còn trường phổ thông chưa chắc đã có được 1 giáo viên giỏi, phù hợp.

Về mặt tâm lý, có lẽ không có vị GS nào chấp nhận đánh đổi vị trí, môi trường công tác, các mối quan hệ khoa học và xã hội hiện có về trường phổ thông giảng dạy, để được hưởng số tiền thu hút 1 tỉ đồng. Chưa nói số tiền đó so với thu nhập của các chuyên gia đầu ngành là nhiều hay ít, mà hãy nhớ rằng trí thức chân chính ai cũng có lòng tự trọng và tự tôn, không dễ dàng từ bỏ niềm đam mê hoạt động khoa học vì danh lợi.

Thiết nghĩ, các vị đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình cần nghiên cứu kĩ các quy định của pháp luật và đặc điểm, tình hình giáo dục phổ thông, mạnh dạn phủ quyết các quy định không phù hợp với pháp luật và thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn