MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thời điểm khoảng 15h chiều ngày 4.5, tại phòng bộ phận một cửa của xã - nơi người dân đến liên hệ làm việc cũng không có cán bộ xã, bàn làm việc trống không. Ảnh: Q.D

Cán bộ xã bận... đi du lịch và câu chuyện “trên nóng, dưới lạnh”

LÊ PHI LONG LDO | 06/05/2022 10:01

Chuyện đi du lịch, nghỉ lễ là chuyện rất bình thường, thậm chí là khuyến khích để kích cầu du lịch sau thời gian dài đóng băng vì COVID-19. Tuy nhiên, cách nghỉ lễ như các cán bộ xã Xuân Bình (huyện Như Xuân) ở tỉnh Thanh Hóa thì rất… không ổn.

Theo đó, đoàn cán bộ của xã đi vào TP.Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 29.4 - tức là sát ngày nghỉ Lễ 30.4 - 1.5, dù đang là ngày làm việc nhưng trong tổng số 21 cán bộ, công chức của xã Xuân Bình, cũng chỉ có 1 cán bộ làm việc tại phòng chính sách xã hội và một cán bộ trực ở phòng một cửa. Có 12 cán bộ xã đi du lịch ở Phú Quốc, số cán bộ còn lại không đi du lịch nhưng cũng không đến trụ sở làm việc theo quy định.

Đoàn cán bộ xã về đến địa phương vào chiều ngày 4.5. Trong đoàn có nhiều cán bộ chủ chốt của xã như Bí thư xã (làm Trưởng đoàn), Phó Chủ tịch UBND, chủ tịch Công đoàn, Mặt trận tổ quốc, Cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội phụ nữ và Bí thư Đoàn thanh niên xã.

Bí thư Huyện uỷ Như Xuân đã chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Huyện uỷ tiến hành kiểm tra, khẳng định thông tin báo chí phản ánh là đúng sự thực, đã xử lý kỷ luật cá nhân, tập thể xã Xuân Bình vì nghỉ làm đi du lịch, không đến công sở trong ngày hành chính, trong đó có bí thư Đảng ủy xã.

Điều đó có nghĩa là, việc người dân đến trụ sở xã giao dịch công việc nhưng không gặp được cán bộ xã để giao dịch là có thật, đơn giản là vì cán bộ xã không chịu… đi làm hoặc bận đi… du lịch.

Như vậy là rất tội cho dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong xuôi”. Chính vì vậy, vai trò của cấp xã rất quan trọng, vì đây là cấp trực tiếp làm việc với dân, liên quan trực tiếp với người dân hằng ngày.

Qua sự việc trên mới thấy, chính quyền cấp xã ở địa phương trên thờ ơ với dân đến thế sao?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” làm cho việc thực hiện nhiều quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kém hiệu quả, chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và niềm tin của người dân.

Dưới “lạnh” đây là ở các cấp chính quyền ở địa phương, nhất là ở cơ sở chậm chuyển biến; nói nhiều, làm ít; nói hay, làm dở; nói một đằng, làm một nẻo…

Có thể nói, biểu hiện dưới “lạnh” là một căn bệnh cần phải có thuốc đặc trị để trên “nóng” thì dưới cũng phải “nóng”. “Căn bệnh” này đã và đang gây nhiều tác hại bởi sự lạnh nhạt, thậm chí thờ ơ, vô cảm của những “công bộc của dân”.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là trong xử lý cán bộ chưa đủ sức răn đe, còn nương nhẹ, phê bình rút kinh nghiệm nội bộ gây bức xúc trong dư luận.

Trở lại câu chuyện các lãnh đạo và cán bộ xã ở tỉnh Thanh Hóa nghỉ làm đi du lịch, không đến công sở trong ngày hành chính, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm, công khai xin lỗi người dân vì đã thiếu trách nhiệm và đạo đức công vụ. Như vậy mới mang tính răn đe, ngăn ngừa việc tái diễn các hành động tương tự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, đạo đức công vụ không phải tự thân mà có, mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện. 

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Bác cũng luôn căn dặn, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng.

Làm được như vậy, dân mới hài lòng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn