MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần làm gì nếu hội phụ huynh hoạt động không hiệu quả?

Đỗ Văn Nhân LDO | 10/10/2022 14:59

Sau loạt bài viết liên quan đến hội phụ huynh (ban đại diện cha mẹ học sinh), Báo Lao Động vừa nhận được bài viết của bạn đọc Đỗ Văn Nhân bàn luận về nội dung này. 

Trước tình trạng lạm thu đầu năm học của một số nhà trường thời gian qua, có ý kiến cho rằng, nên "dẹp" ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp. 

Lý do cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không phát huy vai trò của mình là cầu nối giữa phụ huynh học sinh với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; đồng thời, ban đại diện cha mẹ học sinh còn là nơi tiếp tay cho tình trạng lạm thu của nhà trường…

Thực tế hiện nay, ban đại diện cha mẹ học sinh chưa phát huy được vị trí, vai trò của mình theo quy định.

Tại Khoản 1 Điều 4 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp gồm: Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Như vậy, nếu hoạt động theo đúng quy định trên thì ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có vai trò hết sức quan trọng trong công tác giáo dục hiện nay; là động lực giúp giáo viên và học sinh thi đua dạy tốt, học tốt.

Hiện nay, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp không phát huy hiệu quả, nếu không nói hoạt động hình thức, nhất là ở các trường tại địa phương miền núi, việc thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cho có nhưng không thể hoạt động.

Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp họp với toàn thể phụ huynh của lớp mỗi năm 3 lần, đó là đầu năm, giữa năm và cuối năm học.

Nội dung họp chủ yếu là thông báo tình thu - chi tài chính như thu bao nhiêu, chi vào những việc gì và xin ý kiến phụ huynh để biểu quyết thông qua các khoản thu – chi theo quy định; đối với các nội dung hoạt động như chăm lo, giáo dục học sinh… thì hầu như không nhắc đến.

Nhà trường cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo quy định của điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giáo dục, bồi dưỡng học sinh; chăm lo đến từng hoàn cảnh gia đình học sinh, giúp học sinh vượt khó để học tập…

Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh lớp hoạt động không hiệu quả thì cần phải bầu lại ban đại diện cha mẹ học sinh lớp mới, không để hoạt động hình thức hoặc chỉ thực hiện mỗi nhiệm vụ là thu chi các khoản đóng góp tự nguyện phụ huynh; không để ban đại diện cha mẹ học sinh lớp mang tiếng là “cánh tay nối dài” trong việc lạm thu của nhà trường hiện nay.

Mục đích của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không vì mục đích vụ lợi, cục bộ… mà phải phát huy tinh thần trong sáng, chăm lo cho học sinh; thường xuyên quan tâm, trao đổi với phụ huynh về khả năng học tập của học sinh; giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh...

Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp phải là chỗ dựa tin cậy của phụ huynh và luôn được phụ huynh tôn trọng, ủng hộ và gửi gắm học sinh.

Có như vậy, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp phát huy được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong hoạt động giáo dục hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn