MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên cứu hộ cứu nạn cõng du khách bị lạc trong rừng quay trở về từ rừng sâu. Ảnh: Nguyễn Quân

Cần trang bị đủ kỹ năng để vào rừng không bị lạc

Tường Minh LDO | 31/08/2024 19:46

Việc 5 sinh viên từ TPHCM đi lạc ở núi Lang Biang, lần nữa dấy lên lo ngại về việc người dân thiếu kỹ năng cơ bản khi khám phá rừng núi.

Liên tục những vụ trẻ con, sinh viên, người lớn ở nhiều địa phương bị lạc trong rừng những ngày gần đây.

Mới nhất là vụ 5 sinh viên ở TPHCM dừng xe máy bên đường, vào núi Lang Biang ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) để chơi thì không may bị lạc đường và đã được cơ quan chức năng giải cứu.

Những vụ lạc ở rừng ở nhiều lứa tuổi gần đây cho thấy, một bộ phận lớn người dân Việt Nam hiện nay thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản khi vào rừng.

Núi rừng luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ngờ, và không phải ai cũng nắm rõ được các kỹ năng để đối phó. Việc không biết cách định hướng, sử dụng bản đồ, hay đơn giản là không biết cách tìm nguồn nước và thực phẩm trong rừng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như bị lạc, mất nước, suy kiệt sức lực, hoặc thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Thực tế đã chứng minh, việc thiếu kỹ năng khi vào rừng không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân người đi, mà còn tạo ra gánh nặng và phiền toái cho các cơ quan chức năng.

Việc huy động lực lượng tìm kiếm cứu nạn là rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Trong khi đó, các lực lượng này vốn đã phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ khác, từ cứu hộ cứu nạn đến giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Mỗi lần tổ chức cứu hộ, cứu nạn, không chỉ là sự hy sinh thời gian, công sức, mà đôi khi chính các lực lượng cứu hộ cũng gặp phải nguy hiểm không kém.

Thực trạng một bộ phận lớn người dân Việt Nam hiện nay thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản khi vào rừng, trước hết xuất phát từ việc thiếu đào tạo, giáo dục về kỹ năng sống cần thiết trong trường học hoặc các chương trình cộng đồng.

Ở nhiều quốc gia, kỹ năng đi rừng, sinh tồn, sơ cứu, và xử lý tình huống khẩn cấp đã trở thành một phần quan trọng trong chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các kỹ năng này dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, tâm lý chủ quan của người dân cũng là một phần nguyên nhân. Nhiều người coi việc vào rừng, leo núi là một cuộc dạo chơi đơn giản mà không ý thức được những nguy hiểm tiềm ẩn.

Họ thường đi theo cảm hứng, không có chuẩn bị kỹ càng, không mang theo các thiết bị cần thiết, hay không hề có kiến thức về định hướng. Kết quả là, chỉ cần một lần lạc hướng, nguy cơ mất tích là điều khó tránh khỏi.

Cần nhấn mạnh rằng, việc vào rừng không phải là trò đùa. Đó là một trải nghiệm đầy thách thức và nguy hiểm nếu thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản. Nếu không được trang bị đủ kỹ năng, chúng ta nên cân nhắc việc tham gia các hoạt động này, hoặc ít nhất phải có người hướng dẫn có kinh nghiệm đi cùng.

Muốn vào rừng, trước hết người dân cần trang bị cho mình những kỹ năng sinh tồn cơ bản. Bởi rừng không phải là nơi để thể hiện sự phiêu lưu mạo hiểm. Sự an toàn của chính bản thân, tránh gây phiền hà cho cộng đồng và cơ quan chức năng, mới là điều đáng được ưu tiên thay vì liều lĩnh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn