MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cảnh giác những mánh lừa khi thuê trọ

Chu Trang LDO | 28/03/2023 07:11
Phòng trọ với mức giá rẻ là mối quan tâm của nhiều sinh viên, người lao động khi sống và học tập tại các thành phố lớn. Lợi dụng nhu cầu đó, không ít đối tượng môi giới, chủ nhà đã tung ra các chiêu bài để lừa lọc người thuê.

Nguyễn Thu Hà - sinh viên trường Đại học Hà Nội - là một trong những nạn nhân của các đối tượng kiểu này. Qua môi giới, cô gái trẻ này tìm được một căn phòng trọ có giá chỉ 2,5 triệu đồng/tháng ở khu vực quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Căn phòng nữ sinh này thuê nằm ở tầng 3, rộng khoảng 20m2, không có cửa sổ hay ban công. Bên cạnh tiền phòng, nữ sinh còn phải đóng thêm tiền điện, nước, vệ sinh, máy giặt... Tiền nước "đồng giá" 100.000 đồng/người, tiền điện lên đến 4.000 đồng/số. Tuy nhiên, khi chuyển đến ở, nhiều thứ xảy ra, như: Điều hòa thường xuyên bị hỏng; nhà vệ sinh hôi, nhiều rêu, ẩm dột; nước bẩn, thỉnh thoảng có nhớt và cặn vàng...

Một phòng trọ dành cho sinh viên thuê với giá 3 triệu đồng/tháng. Ảnh: Chu Trang   

Nữ sinh này kí hợp đồng thuê nhà 1 năm nhưng mới ở được 6 tháng. Sau đó, chủ trọ thông báo không quản lí tòa nhà nữa, bàn giao lại cho chủ mới. Vừa qua, chủ mới thông báo: Do giá cả thị trường, điện nước, vật tư tăng nên bắt đầu từ tháng 4 năm 2023 tiền phòng tăng thêm từ 200.000 đồng đến 300.00 đồng/tháng.

“Trên Zalo tôi và các bạn cùng thuê trọ có một nhóm chat là “Xóm trọ vui vẻ”, khi tôi phản hồi trong nhóm chung thì chủ nhà trọ giải tán nhóm với lí do hợp đồng đó kí với chủ cũ, chủ mới không liên quan. Vì tiền nhà không xứng đáng với cơ sở vật chất nên chúng tôi chuyển đi hết” – nữ sinh chia sẻ.

Không chỉ vậy, chủ nhà trọ còn làm mọi cách để đuổi nữ sinh kia đi nếu không tiếp tục thuê trọ. “Có khách chốt cọc thì chủ nhà đòi đuổi tôi đi luôn; khách bùng cọc thì lại…bảo tôi ở lại. Liên tục, cứ đuổi rồi bắt ở lại như thế 2 đến 3 lần. Khi chuyển đi, không những tôi không nhận lại được 1,5 triệu đồng tiền cọc mà còn bị đòi thêm 50.000 nghìn tiền vệ sinh và 500.000 đồng tiền bắt đền phòng nuôi chó ám mùi” – nữ sinh cho biết.

Chung hoàn cảnh với nữ sinh Nguyễn Thu Hà, chị Lê Thị Thanh (sinh năm 2003) chia sẻ, tháng 10.2022, chị ở quê lên Hà Nội học. Sau  khi tìm kiếm phòng trọ trên các hội nhóm Facebook, thấy có thông tin cho thuê trọ, chị Thanh đã nhắn tin và ngỏ ý được xem trọ.

“Tôi thấy ảnh phòng khá đẹp, giá cả hợp lí nên liên hệ với cô đó hỏi thuê. Cô bảo phải đặt cọc trước 1 triệu đồng mới giữ phòng cho. Nhiều người cọc cho cô tới 2,5 triệu đồng mà cô vẫn chưa chốt phòng. Lo sợ không có nơi ở khi lên nhập học nên tôi nhanh chóng chuyển tiền”– chị Thanh cho biết thêm.

Ngày chuyển đến phòng trọ, khi xách vali đến địa chỉ “rất cụ thể” chị Thanh ngã ngửa vì chủ nhà trả lời “không biết, làm gì còn phòng mà cho thuê”. Lúc này, chị Thanh mới nhận ra mình đã bị lừa.

Bà Nguyễn Thị Nga - chủ một khu nhà trọ ở quận Cầu Giấy - cho biết, khi thuê trọ nên đến tận nơi để kiểm tra. Cần chủ động tìm trọ sớm hơn để có thể tìm hiểu rõ về chỗ thuê, tránh các sự cố đáng tiếc.

“Tôi cho thuê trọ nhiều năm rồi, ai tới xem phòng ưng, quyết định ở tôi mới kí hợp đồng và thu tiền cọc. Những bài đăng trên các hội nhóm chỉ mang tính chất tham khảo, trên ảnh là một đằng, đi xem thực tế khác xa rất nhiều. Còn mấy người đòi giữ cọc khi khách chưa trực tiếp tới xem phòng thì đa phần là lừa đảo” - bà Nga chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn