MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Hà Phương

Chọn trường đại học theo đam mê hay định hướng của bố mẹ?

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 15/07/2023 12:11

Thời điểm này, học sinh trong cả nước đã bắt đầu nhận được thông báo trúng tuyển có điều kiện ở một số trường đại học thông qua xét tuyển học bạ hay trong kỳ thi đánh giá năng lực.

Đỗ đại học và lựa chọn ngành nghề theo mơ ước, sở thích và niềm đam mê để được vào giảng đường học đại học trong suốt 12 năm “đèn sách” cũng là mơ ước hoàn toàn chính đáng đối với hàng triệu các em học sinh trong cả nước cũng như đối với nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh của các em.

Với nhiều gia đình, nhất là ở các vùng quê, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, khốn khó như ở miền Trung quê tôi, con vào được đại học là cơ hội để các em có thể đổi đời.

Thế nhưng đứng trước ngưỡng cửa vào đời, đứng trước việc lựa chọn ngành nghề, học trường nào, học nghề gì… khi đậu đại học trước hết cần phải thật sự là niềm đam mê, là mơ ước cháy bỏng của các em. Thứ nữa, ngoài đam mê, mơ ước cần phải phù với năng lực của các em và khả năng tài chính, tiền bạc của gia đình để có thể lo cho các em trong khoảng thời gian là nhiều năm theo học đại học, nhất là theo học đại học tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thực tế, tôi biết có nhiều em lựa chọn ngành nghề, vào thành phố học đại học không phải vì niềm đam mê hay là sở thích, năng lực của chính mình mà là theo yêu cầu, định hướng, tư vấn nghề nghiệp của cha mẹ, phụ huynh và của người thân trong gia đình kiểu "cha truyền con nối", với mong muốn sau này con cái tiếp tục "nối nghiệp" cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình.

Kiểu “định hướng” như cha mẹ làm trong ngành công an thì định hướng hoặc bắt buộc con cái phải học ngành công an, cha mẹ làm nghề giáo thì con phải theo học nghề giáo, cha mẹ là kỹ sư trong ngành cầu đường thì định hướng con phải học cầu đường...

Thực tế theo tôi được biết đã có nhiều em sau khi vào giảng đường đại học và theo học được một thời gian, một vài học kỳ đã biểu hiện, đã có cảm giác chán nản vì ngành nghề không phù hợp với mình, học không phải vì niềm đam mê, sở thích, thậm chí có nhiều em đành phải bỏ học giữa chừng hoặc chuyển hướng.

Năm ngoái, gần nơi tôi sinh sống có hai em sinh viên từ Tây Ninh lên thành phố thuê trọ và làm thủ tục nhập học vào ngành công nghệ thông tin tại một trường đại học. Kết thúc học kỳ một về quê, qua Tết, tôi thấy chỉ còn một em trở lại giảng đường. Tôi hỏi thăm thì mới biết sau một học kỳ, em sinh viên này thấy chán nản vì ngành nghề mình và gia đình đã chọn vì không phù hợp và một phần vì khả năng tài chính không có nên em đã quyết định bỏ học sau một học kỳ và lựa chọn học nghề ở quê nhà...

Có thể nói định hướng, tư vấn nghề nghiệp của phụ huynh, cha mẹ đối với con cái trước ngưỡng cửa vào đời, vào học đại học cũng là điều hết sức quan trọng nhằm góp phần để con biết được đâu là khả năng, năng lực, sở thích, hướng đi đúng đắn và là sở thích, niềm đam mê của chính mình.

Thế nhưng, quyết định cuối cũng vẫn là ở sự lựa chọn của con, của các em, phù hợp với năng lực, nguyện vọng và cả niềm đam mê nghề nghiệp.

Thiết nghĩ, hãy để cho con cái được quyết định tương lai, cuộc đời mình, được quyết định nghề nghiệp sau này của chính mình bằng chính năng lực, khả năng vốn có và niềm đam mê, mơ ước từ chính các em.

Tránh việc các em lựa chọn vào học đại học, lựa chọn nghề nghiệp theo tư vấn, định hướng của cha mẹ, phụ huynh, người thân trong gia đình kiểu học đại học, lựa chọn ngành nghề theo kiểu "cha truyền con nối", điều này vừa không phù hợp với sở thích, niềm đam mê của con (nếu con không thích, không có đam mê), vừa mất thời gian công sức lẫn tài chính, tiền bạc khi việc học hành của con bị "đứt gánh giữa đường" vì sự chán nản khi con không có hứng thú và đam mê nghề nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn