MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Công chức cần phải có tích luỹ từ tiền lương

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 07/07/2023 08:00

Vợ chồng người thân của tôi hiện đang là công chức tại một cơ quan hành chính Nhà nước với chức danh chuyên viên lao động và có thâm niên làm việc gần chục năm nay.

Mặc dù đã có thời gian, "thâm niên" làm việc tại cơ quan và cứ 3 năm được xem xét, tăng lương một lần nhưng mức lương và bao gồm các phụ cấp công việc hàng tháng hiện nay của vợ chồng chỉ tròm trèm 15 triệu đồng.

Vợ chồng anh chị có 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học nên với mức lương, mức thu nhập hàng tháng của người cán bộ, công chức, thường "thiếu trước hụt sau", thậm chí có tháng không đủ và hết sức chật vật nếu không may con nhỏ ốm đau phải nằm viện hoặc có nhiều tiệc cưới, hiếu hỉ. Thậm chí có nhiều lúc, bố mẹ chị phải đưa chút tiền trợ cấp hưu trí hàng tháng nhằm san sẻ với con cháu để đỡ phần chật vật.

Cũng may là vợ chồng đang sống "ké" nhà của bố mẹ chị nên hàng tháng không phải lo "ngay ngáy" chuyện tiền trọ khi đến tháng như một số đồng nghiệp. Chị kể, để kiếm thu thu nhập và trang trải cuộc sống, lo cho hai con ăn học, mình phải "tranh thủ" thời gian vào buổi tối hoặc những ngày nghỉ cuối tuần để bán hàng online.

Còn nói về việc tích lũy từ tiền lương của cán bộ, công chức để mua nhà, mua căn hộ chung cư dành cho người có thu nhập thấp thì đó là ước mơ xa vời, khó có thể trở thành hiện thực khi giá nhà đất ngày một tăng cao, bỏ xa mức thu nhập của những người cán bộ công chức như chị.

Có thể thấy, trường hợp của vợ chồng người quen tôi có lẽ là không hiếm đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các đơn vị, cơ quan hành chính Nhà nước. Để có tích lũy và dành dụm, kiếm thêm thu nhập, lo cho con cái, trong thực tế, nhiều cán bộ, công chức phải làm thêm đủ mọi việc, kể cả bán hàng online.

Từ ngày 1.7 mức tiền lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng sau gần 3 năm chưa tăng. Lương cơ sở tăng, với cán bộ, công chức, viên chức, bản thân ai cũng có được chút niềm vui. Thế nhưng song song với đó là nỗi lo giá cả thực phẩm, tiền điện nước, tiền nhà trọ tăng.. Đó là chưa kể, tiền lương cơ sở tăng cũng đồng nghĩa là các mức đóng về các chế độ chính sách, BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN hằng tháng tăng thêm.

Thiết nghĩ, để mỗi cán bộ, công chức, viên chức vui hơn, phấn khởi hơn và cảm thấy thật nhiều ý nghĩa hơn sau khi mức tiền lương cơ sở tăng, đã đến lúc Chính phủ, Nhà nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần có một cuộc khảo sát, nghiên cứu sâu về đời sống xã hội, thu nhập thực tế hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức so với cuộc sống, giá cả.

Thu nhập từ tiền lương cần phải có được tích lũy để từ đó cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm toàn ý đem tài năng, công sức và cả trí tuệ, sức trẻ để cống hiến, phục vụ doanh nghiệp, người dân một cách chu đáo, có hiệu quả nhất. Họ không phải trăn trở đến việc thu nhập, buộc phải làm thêm đủ mọi việc, thậm chí kể cả là việc bán hàng online để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Đành rằng đối với người cán bộ, công chức, viên chức, một khi đã xác định được tư tưởng vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước trước hết là nhằm để phục vụ, cống hiến cho người dân và doanh nghiệp. Thế nhưng "có thực mới vực được đạo", với mức thu nhập hiện tại cũng còn khá chật vật thì chắc rằng rất khó để người cán bộ, công chức có thể an tâm cống hiến bởi ngoài bản thân họ còn biết bao nhiêu việc phải lo từ cha mẹ già, cho đến con cái và cả chuyện học hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn