MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đang nóng ruột chờ đón khách du lịch. Ảnh: Tường Minh

Đà Nẵng: Doanh nghiệp du lịch nóng ruột chờ khách

Nguyên Đức LDO | 06/03/2022 10:17

Đà Nẵng - Các doanh nghiệp đang nóng ruột chờ khách bởi thời hạn mở cửa du lịch 15.3 đã cận kề. Song công tác chống dịch vẫn phải kiên định sự siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cao nhất.

“Cung đã giương, chỉ còn phất cờ”?

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nói riêng về các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ liên quan ở Đà Nẵng, thái độ đến nay là quá sẵn sàng, không còn chút vướng mắc gì để không thể mở cửa đón khách.

Tâm lý này, đã dồn nén suốt hai năm qua, đã bị “ép chặt” sau 5 lần Đà Nẵng lên kế hoạch tái khởi du lịch mà bất thành, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chính sách quản lý kiểm soát đặt ra ở mức cao nhất.

Ảnh hưởng nặng nhất với du lịch Đà Nẵng là thời điểm 30.4.2021, khi đợt dịch thứ tư bùng phát, đúng lúc địa phương đã gom góp tài chính, sửa soạn một chương trình lớn, khiến tình hình rối ren, mấy trăm ngàn du khách tại thành phố biển này phải “chạy trốn” khỏi vùng dịch mới.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn và dồn hy vọng vào giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ Đà Nẵng đã có những động thái sẵn sàng tốt nhất vào thời điểm này.

“Du khách nào đến địa phương du lịch lúc này là được hưởng rất nhiều lợi ích, vì sản phẩm nhiều, giá cả phải chăng, chất lượng tốt, và cộng đồng doanh nghiệp cùng các điểm đến đang hết sức hấp dẫn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Cao Trí Dũng, vấn đề là “cung đã giương mà cờ hiệu vẫn chưa thể phất”. Thông tin từ các bộ, ngành cho thấy, mở cửa du lịch phải xử lý cơ bản hai vấn đề: Khung pháp lý y tế thế nào, và thị thực nhập cảnh thế nào.

Bộ Y tế đang tham mưu quản chặt, quan điểm rất cứng rắn: Khách quốc tế vào phải bắt buộc giám sát y tế 24 giờ tại khách sạn, sau đó khuyến cáo ở lại khách sạn thêm 3 ngày nữa.

“Như thế, khách du lịch nước ngoài sẽ không thuận tiện để chấp nhận quay lại. Bản thân các nước là thị trường lớn, đến nay cũng chưa hề sẵn sàng mở cửa, du khách của họ quay về phải cách ly. Nếu chúng ta buộc cách ly là du khách chịu hai lần áp lực. Lối ứng xử ấy sẽ khiến họ từ chối”, ông Dũng nói.

Tâm lý nôn nóng chờ đợi này cũng chính là hiện trạng của du lịch Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế tâm tư, đã hai năm chờ đợi rồi, các hoạt động chuẩn bị của tỉnh nhà đang rất tích cực, không có lý do gì để nghi ngờ các doanh nghiệp bản địa không sẵn sàng đón khách, các điểm đến không ngại kích hoạt trở lại.

Theo các doanh nghiệp du lịch, thật sự đã đến lúc Chính phủ phải đưa ra chính sách, có một quyết định dứt khoát, táo bạo về mở cửa du lịch cởi mở hơn. Thẩm quyền này đang nằm trong tay Chính phủ, cần ấn định tốt để không lỡ mất cơ hội.

Các nước xung quanh, nhất là Thái Lan, đang rất quyết liệt mời gọi du lịch kích hoạt lại, là vấn đề không thể không quan tâm. Thực trạng các doanh nghiệp du lịch tại các địa phương, lại đang quá căng thẳng rồi!

Siết chặt hơn quan điểm an toàn

Đánh giá cơ hội tái khởi du lịch, đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, áp lực, nguy cơ vẫn là tiềm ẩn, nhưng thực sự đã đến lúc phải mở cửa cho các doanh nghiệp hoạt động lại.

Địa phương này vừa xảy ra sự cố đau lòng về tai nạn ở biển Cửa Đại (Hội An), và đây chính là tiếng còi cảnh báo an toàn trong du lịch của địa phương. Việc mở cửa, vì thế phải xem xét nhưng cần xiết chặt hơn nữa quan điểm an toàn.

Theo ông Cao Trí Dũng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đang yêu cầu các cơ sở dịch vụ, nhất là chuyên chở khách, cả về đường bộ lẫn đường thủy, phải làm việc kỹ với cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách.

Các phương tiện trên sông ở Đà Nẵng đã được kiểm tra kỹ sau thời gian dài ngưng hoạt động, chỉ có phương tiện nào đạt chỉ số an toàn cao mới được đưa vào khai thác. Việc kết nối vận chuyển đường bộ giữa Đà Nẵng – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… cũng đang được các doanh nghiệp triển khai hết sức thận trọng và chi tiết.

“Như vậy, phải xác định đến nay, sự chuẩn bị của các doanh nghiệp du lịch là rất tích cực và sẵn sàng hết rồi. Nhất là vấn đề an toàn du lịch, qua sự cố đã xảy ra, các doanh nghiệp đều thận trọng hơn rất nhiều. Chúng ta đang đối diện một cơ hội lớn, có thể nói là cơ hội “sống còn”, nên không ai chủ quan nữa. Vấn đề chỉ là, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có chính sách ra sao thôi”, ông Cao Trí Dũng kết luận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn