MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đau đầu việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần, lao động nữ mong giảm tuổi nghỉ hưu

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 18/04/2024 11:38

Nhiều lao động nữ trên dưới 40 tuổi khi mất việc đối mặt với bài toán nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu. Họ mong giảm tuổi nghỉ hưu xuống thấp hơn so với quy định hiện nay.

Chị Nguyễn Lê Minh Anh (sinh năm 1986, thường trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM) vừa nghỉ việc làm kế toán tại một doanh nghiệp. Tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị là gần 16 năm. Hiện chị làm thủ tục để hưởng trợ chế độ cấp thất nghiệp hằng tháng theo quy định.

Điều làm chị Minh Anh băn khoăn nhiều nhất hiện nay là sau khi hết thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định là có nên nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hay không. Chị tính toán số tiền trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, nếu rút, được gần 200 triệu đồng.

"Nếu nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa tôi chấp nhận sau này sẽ không có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế. Còn nếu bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì tôi phải chờ đến năm đủ 60 tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì mới đủ tuổi điều kiện để làm thủ tục hưởng chế độ hưu trí - nghĩa là tôi phải chờ gần 20 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của luật" - chị Minh Anh nói.

Chờ đến gần 20 năm nữa mới được nhận lương hưu là khoảng thời gian rất dài trong khi chị còn có gia đình và 2 con nhỏ. Ở tuổi gần 40, chị rất khó xin việc làm dù có bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm. "Tôi mong Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 kỳ này sửa đổi, bổ sung phải toàn diện hơn. Ngoài giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm như dự thảo, nên giảm tuổi nghỉ hưu của lao động nữ xuống còn 55 tuổi như quy định của Bộ luật Lao động 2012" - chị Minh Anh chia sẻ.

Chị Minh Anh mong giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 tuổi đối với lao động nữ như trước đây. Ảnh: NVCC

Tương tự là trường hợp của chị Phạm Thị Thu Hoài (sinh năm 1984, quận 5, TPHCM). Chị Hoài cũng mới xin nghỉ việc kế toán cách đây mấy tháng và đang trong thời gian làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị là hơn 15 năm. Với thời gian đó nếu Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 sửa đổi, bổ sung kéo giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động xuống còn 15 năm là chị đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, cũng như chị Minh Anh, chị Hoài cũng phải chờ gần 20 năm nữa mới đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu như luật định.

“Tôi mong cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật bảo hiểm xã hội theo hướng giảm tuổi nghỉ hưu của lao động nữ xuống còn 55 tuổi để người lao động, nhất là lao động nữ sớm tiếp cận chính sách hưu trí hoặc nên có chính sách hưu trí đa tầng để người lao động như chị lựa chọn trụ lại hệ thống an sinh xã hội nước nhà, bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không phải rút bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc...” - chị Hoài đề xuất.

Thiết nghĩ, để giữ chân người lao động, nhất là lao động nữ trụ lại với hệ thống an sinh xã hội, ngoài việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống còn 15 năm như dự thảo, cần tiếp tục giảm tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ, kể cả làm việc trong điều kiện bình thường và làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo đó, với lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường, tuổi nghỉ hưu là đủ 55 tuổi; lao động nữ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là đủ 50 tuổi. Việc giảm tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nhiều lao động, nhất là lao động nữ rút bảo hiểm xã hội 1 lần như hiện nay, giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo khi về già ai cũng có lương hưu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn