MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một người dân tại Nghệ An bấm được biển "ngũ quý" siêu đẹp. Ảnh: CP

Đấu giá biển số đẹp: 30 năm “vừa mừng - vừa lo”

LÊ PHI LONG LDO | 25/04/2022 16:44

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền đấu giá biển số xe, lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng. Thông tin trên đã khiến cho dư luận “vừa mừng - vừa lo”.

Mừng là vì việc đấu giá biển số đẹp là hợp lý, phù hợp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để chủ phương tiện có quyền lựa chọn biển số xe theo sở thích. Đồng thời sẽ khắc phục các tồn tại, bất cập của công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông hiện nay, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. 

Nhưng cũng lo, là vì câu chuyện này đã được đề xuất cách đây gần 30 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Theo đó, năm 1993, Bộ Công an triển khai kế hoạch "cấp biển số xe tự chọn", hay còn gọi là đấu giá biển số đẹp và Công an Hải Phòng được chọn thí điểm thực hiện. Sau 2 tháng triển khai, 94 trường hợp đã tự chọn biển số trên tổng số 198 xe đăng ký. 

Tuy nhiên, sau đó do vướng mắc trong các quy định liên quan, Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, nên không có căn cứ pháp lý để triển khai. 

Hơn 10 năm sau, Nghệ An và Bình Thuận "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số đẹp, thu về hàng tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục bị “tuýt còi” vì vướng thủ tục pháp lý.

Đến năm 2008, Cục CSGT tiếp tục đề xuất đấu giá biển số đẹp, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương nhưng sau đó lại tiếp tục không triển khai được do nhiều vướng mắc.

Đề án trên tiếp tục được… khởi động nhưng lại tiếp tục vướng mắc và lại không thể triển khai.

Vì vậy mới nói, thông tin trên đã khiến dư luận “vừa mừng - vừa lo” là thế.

Những ngày gần đây, dư luận tại Nghệ An, Hà Tĩnh đang xôn xao về các trường hợp người dân ngẫu nhiên bấm được biển số xe “ngũ quý”, sau đó được bán sang tay có giá rất cao “ngất ngưởng”. Qua đó mới thấy, nếu không triển khai đấu giá biển số đẹp, ngân sách Nhà nước sẽ để để lọt một nguồn thu không nhỏ. 

Các chuyên gia cho rằng, việc đấu giá biển số đẹp nên triển khai càng sớm càng tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng ngân sách cho Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, biển số trúng đấu giá được coi là tài sản cá nhân để người sở hữu có thể bán, cho, tặng, thừa kế... một người bỏ ra hàng tỉ đồng để mua một biển số đẹp thì hãy cho họ quyền tự định đoạt.

Theo dự thảo, tại Hà Nội và TP.HCM giá khởi điểm đối với xe chở người dưới 9 chỗ là 40 triệu đồng, các địa phương khác khởi điểm 10 triệu đồng; xe bán tải tại Hà Nội và TP.HCM khởi điểm 1 triệu đồng... Biển số đẹp sẽ gắn liền với người trúng đấu giá, kể cả khi bán xe vẫn được giữ lại biển số để đăng ký cho phương tiện khác thuộc quyền sở hữu. 

Theo dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí liên quan, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã cho rằng, hiện tài nguyên kho số điện thoại, biển số xe rất lớn, nên quy định 2 loại này là tài sản công và đem đấu giá thu tiền về cho ngân sách.

Có một thực tế rằng, nguồn thu từ lệ phí đăng ký xe hàng năm rất lớn, như năm 2020 thu 3.892 tỉ đồng và toàn bộ số tiền này đều nộp vào ngân sách nhà nước; trong khi nguồn chi phí cho việc thu lệ phí đăng ký, cấp biển số còn rất thấp.

Cách đây vài ngày, những biển số xe đẹp vừa được bán tại buổi đấu giá từ thiện "Most Noble Numbers" ở Dubai nhằm hỗ trợ chiến dịch một tỉ bữa ăn cho những người cần. Số tiền cao nhất cho một biển số thuộc về biển "AA8", với giá đấu trúng với giá rất “khủng” là 9,53 triệu USD.

Qua đó mới thấy rằng, chủ trương đấu giá biển số đẹp là một chủ trương đúng, đem lại nhiều lợi ích cho người dân và xã hội. Điều quan trọng là phải được triển khai sớm, đồng bộ, hiệu quả, không để người dân phải “lo” vì một chủ trương đúng mà mãi đến 30 năm vẫn chưa thực hiện được!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn