MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để lương cơ sở tăng có nhiều ý nghĩa đối với cán bộ, công chức, viên chức

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 18/05/2023 12:30

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14.5.2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Theo đó, từ ngày 1.7.2023, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cho 9 nhóm đối tượng. Điều đó cũng đồng nghĩa khi điều chỉnh lương cơ sở, nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm. Cụ thể, tăng mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, tăng mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, tăng mức hướng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, tăng mức trợ cấp một lần, tăng mức trợ cấp hằng tháng...

Sau nhiều năm liền, mức tiền lương cơ sở của Nhà nước không tăng một phần do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, ngân sách Nhà nước còn khó khăn, chưa thể cân đối, đảm bảo cho việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Do đó, dù mức lương cơ sở tăng chưa đáp ứng được mong mỏi cũng như kỳ vọng nhưng việc tăng lương cơ sở lần này có thể nói là nỗi mong đợi cũng là niềm vui của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. 

Thực tế cho thấy, qua nhiều năm thực hiện và điều chỉnh chính sách tăng mức lương cơ sở hàng năm, hầu như mức tiền lương cơ sở cũng như mức thu nhập vẫn thật sự chưa đảm bảo được đời sống của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nếu so với thời giờ làm việc hàng ngày, khối lượng công việc mà họ đảm trách, thực hiện. 

Hầu như để sống được với thu nhập, với mức tiền lương hiện tại còn "khiêm tốn", cán bộ, công chức, viên chức và người lao động buộc phải "thắt lưng buộc bụng", thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm lắm mới có thể đảm bảo được cuộc sống. 

Thậm chí, nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn phải bươn chải, làm thêm đủ mọi công việc, ngành nghề ngoài xã hội để kiếm thêm thu nhập, chi tiêu trang trải cuộc sống cũng như nuôi con cái ăn học, cha mẹ già và người thân trong gia đình. 

Ngoài ra, thời gian vừa qua, có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, ban ngành phải xin nghỉ việc hoặc thuyên chuyển công tác hoặc đầu quân cho các cở sở tư nhân, làm việc cho các doanh nghiệp... do thu nhập hiện tại không đảm bảo cuộc sống. 

Đó là chưa kể, mỗi khi nghe tiền lương tăng thì tiền điện nước, tiền thuê nhà tăng, giá cả cũng đã rục rịch tăng theo lương; tiền lương có điều chỉnh tăng nhưng không theo kịp giá cả...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần thiết phải có một cuộc khảo sát có tính chất chính thống, qua đó đánh giá toàn diện về việc làm, đời sống cũng như mức thu nhập hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở pháp lý. Từ đó, việc thực hiện và điều chỉnh tăng mức lương cơ sở hàng năm đảm bảo chính xác, toàn diện và tiệm cận hơn với cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. 

Ngoài ra, để việc tăng mức tiền lương cơ sở hàng năm có nhiều ý nghĩa và đạt được mục tiêu như mong muốn, ổn định đời sống việc làm cũng như tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thông qua việc tăng lương thì Nhà nước, Chính phủ cùng các cơ quan, ban ngành cần có các giải pháp khác kèm theo. Cụ thể, phải kiềm chế lạm pháp, bình ổn giá cả, tránh trường hợp giá cả "té nước theo mưa"; có chính sách hỗ trợ về giá tiền điện, nước và tiền thuê nhà, để từ đó việc tăng lương cơ sở hàng năm thật sự có nhiều ý nghĩa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn