MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đen Vâu trong MV “Mang tiền về cho mẹ” ra mắt ngày 29.12.2021. Ảnh: cắt từ clip

Đề thi Ngữ văn cần ra theo hướng mở, kích thích sáng tạo

QUANG ĐẠI LDO | 11/01/2022 17:25

Sự việc trường THCS-THPT Trần Cao Vân (TPHCM) lấy ngữ liệu từ bài rap “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu vào đề thi thử môn Ngữ văn đang gây nhiều dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, nên thay đổi đề thi môn Ngữ văn theo hướng mở, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.

Mạng xã hội đang xôn xao về việc trường THCS-THPT Trần Cao Vân (TPHCM) ra đề thi thử học kỳ I môn Ngữ văn khối 12 lấy ngữ liệu từ bài rap “Mang tiền về cho mẹ” đình đám của Đen Vâu.

Đề thi môn Ngữ văn của trường THCS-THPT Trần Cao Vân (TPHCM). Ảnh: HĐ

Phần “Đọc - hiểu”, đề thi trích dẫn một số câu trong bài rap rồi ra 4 câu hỏi để kiểm tra trình độ thí sinh. Mặc dù tác giả đề thi cho rằng, đây là đề thi “mở”, có tính đổi mới, tuy nhiên nội dung các câu hỏi lại không thể hiện được điều này.

Cụ thể, đối với câu 2 phần thi Đọc-hiểu, thí sinh chỉ cần chép lại nguyên văn ngữ liệu trong đoạn trích là đạt điểm tối đa.

Mặt khác, thông điệp “Mang tiền về cho mẹ. Đừng mang ưu phiền về cho mẹ” đã quá tường minh, không “có vấn đề” nên việc phát biểu suy nghĩ, quan điểm chỉ có tính chất phụ họa, không kích thích được tư duy sáng tạo.

Điều đáng nói là nhiều năm trở lại đây, do cấu trúc đề thi quốc gia, thi tốt nghiệp THPT có nội dung “Đọc - hiểu” nên các thầy cô buộc phải ra đề có dạng tương tự để học sinh làm quen. Trong phần thi “Đọc-hiểu” này, có những câu hỏi thí sinh chỉ cần chép lại nguyên văn ngữ liệu là đạt yêu cầu. Phần nêu quan điểm về vấn đề liên quan cũng không yêu cầu tư duy, động não nhiều.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phần thi “Đọc - hiểu” quá đơn giản như trên không phù hợp với đối tượng học sinh lớp 12, đã có 18 năm học tiếng mẹ đẻ. Những kỹ năng đọc hiểu cơ bản đã được học sinh hoàn thiện từ bậc tiểu học, đến THPT không cần thiết phải kiểm tra lại nữa.

Từ sự việc nói trên, thiết nghĩ cần có tư duy mới, đổi mới trong việc ra đề thi và việc dạy học môn Ngữ văn. Học sinh ngày nay tư duy nhạy bén, có hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực, năng động, sáng tạo.

Do đó, đề thi môn Ngữ văn cần ra theo hướng mở, kích thích sự sáng tạo, tư duy phản biện đa chiều của học sinh và hướng đến các kỹ năng cần thiết để các em thích ứng trong xã hội hiện đại.

Cụ thể đó là kỹ năng phân tích, đánh giá tình huống, kỹ năng tạo lập các văn bản nhật dụng, kỹ năng bình luận, hùng biện, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp. Ví dụ, đề thi có thể tạo điều kiện cho học sinh được thoải mái nêu cảm nhận, đánh giá cá nhân về hiện tượng Đen Vâu, chứ không chỉ khai thác ở góc độ câu chữ đơn giản.

Nếu không đổi mới, cứ tuân theo lối mòn khép kín, môn Ngữ văn sẽ xa rời cuộc sống thực tế và không còn hấp dẫn đối với học sinh, dẫn đến việc các em học đối phó, chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn