MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đừng lãng phí nguồn lực lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 18/04/2023 14:37

Hiện một số doanh nghiệp trong ngành xây dựng, may mặc, giày da, chế biến gỗ… đang trong tình trạng khó khăn do thiếu hợp đồng, đơn hàng; có doanh nghiệp lên phương án, kế hoạch cắt giảm lao động

Thường thì đối tượng bị nhắm đến để cắt giảm nhân sự trong các doanh nghiệp này là những người lao động lớn tuổi, có thâm niên và có tay nghề cao, có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên hàng chục năm… 

Việc cắt giảm nhân sự, nhất là đối với đối tượng là người lao động có thâm niên, tay nghề cao cũng như có kinh nghiệm làm việc là điều cần hết sức cân nhắc và cần tính toán cụ thể những “thiệt hơn”. Bởi lẽ những người lao động có thâm niên kinh nghiệm và tay nghề cao đa số là người lao động làm việc có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm. 

Thực tế đã có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp dù khó khăn, thiếu đơn đặc hàng nhưng doanh nghiệp không lựa chọn cách sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhiều người lao động, nhất là đối với người lao động lớn tuổi, có thâm niên và có tay nghề như một số đơn vị, doanh nghiệp đã lựa chọn và thực hiện.

Công nhân làm việc trong doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ: Quế Chi 

Để vượt qua giai đoạn khó khăn cũng như cố gắng “giữ” người lao động “trụ” lại với doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã có kế hoạch và lên phương án như giảm giờ làm, cho nhân viên, người lao động nghỉ luân phiên, tuần làm việc 3 buổi hay 4 buổi nhằm để duy trì bộ máy hoạt động cũng như duy trì thu nhập để đảm bảo đời sống của nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp dù thu nhập có thể giảm nhiều hơn so với trước. 

Có doanh nghiệp cũng thỏa thuận và nhất trí với tập thể người lao động trong việc trả lương "chờ việc" trong thời gian doanh nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng hoặc chỉ trả lương "cơ bản" cho người lao động và mức tiền lương chờ việc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nhằm để duy trì chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. 

Đó là chưa kể, nếu doanh nghiệp lựa chọn phương án sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với nhiều người lao động, ngoài việc bắt buộc phải lập phương án gửi cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan quản lý lao động xem xét, doanh nghiệp còn bắt buộc phải chi trả các khoản chi phí chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động như chi phí trả trợ cấp mất việc làm, trả trợ cấp thôi việc, chi phí tiền lương, tiền phép năm, tiền thưởng và chi phí trích nộp, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để được chốt sổ bảo hiểm xã hội kịp thời.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp đã hoàn toàn vượt qua giai đoạn khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh đã đi vào ổn định trở lại, lúc này việc thiếu nguồn lao động để tuyển dụng là điều không thể trách khỏi, nhất là đội ngũ những người lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao, việc thông báo tuyển dụng lao động chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Do đó thiết nghĩ, việc sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động do doanh nghiệp khó khăn hay thiếu đơn đặt hàng cần phải được cân nhắc thấu đáo, tính toán kỹ lưỡng trong phương án cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch sử dụng lại lực lượng lao động của doanh nghiệp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn