MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa.

Đừng trách ông tiến sĩ cầu lông, mà hãy trách… người khác

LÊ PHI LONG LDO | 08/05/2022 08:20

Những ngày gần đây, câu chuyện đào tạo tiến sĩ lại rộ lên liên quan đến chuyện một đề tài tiến sĩ có tên “phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức…”. Đây không phải là lần đầu dư luận xôn xao bàn tán, trước kia là đề tài về “hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Chuyện gì đang xảy ra với… dư luận đây?

Nhắc lại đề tài "hành vi nịnh trong tiếng Việt”, dù dư luận có ồn ào, nhận xét là "không xứng tầm", tuy nhiên các giáo sư phụ trách đã lên tiếng khẳng định "đó là đề tài hay, mang tính thực tiễn và được đánh giá cao". GS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, khẳng định đây là đề tài tốt, những ý kiến chê là "chưa có sự hiểu biết thấu đáo".

Ồn ào xong, dư luận im lặng.

Và giờ đây, chủ đề đào tạo tiến sĩ lại rộ lên với đề tài “phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức…”.

Dư luận cho rằng, đề tài tiến sĩ trên là tào lao, lãng xẹt hay đại loại mỉa mai, buồn cười.

Theo quy định, một đề tài luận án tiến sĩ phải đáp ứng các tiêu chí về tính cấp thiết của đề tài, tính mới, tính ứng dụng; phải là một vấn đề đang đặt ra với ngành khoa học đó hoặc với thực tiễn xã hội; phải có đóng góp mới và giá trị về lí thuyết hoặc thực tiễn…

Về các nội dung liên quan đến đề tài, chắc chắn những người đang cười chê trên cũng chưa đọc hết nội dung luận án. Mà có đọc hết, tôi hay những người đang cười chê luận án tiến sĩ kia chắc chắn không đủ năng lực, trình độ, hiểu biết, kiến thức để đánh giá một luận án tiến sĩ. 

Tuy nhiên, chê và cười vì đọc cái tiêu đề của luận án - đọc lên nghe rất "buồn cười". Đơn giản thế thôi.

Có một điều chắc chắn rằng, công tác đào tạo tiến sĩ sẽ được hậu kiểm bởi Bộ GDĐT. Để có một luận án tiến sĩ được bảo vệ trước hội đồng phải qua quá trình sàng lọc gồm rất nhiều bước, từ thi đầu vào, góp ý đề cương chi tiết, bảo vệ trước nhiều cấp hội đồng... Vì vậy, qua quá trình dài gồm nhiều bước với các giáo sư đầu ngành, theo suy luận thông thường thì sẽ không thể có một đề tài vớ vẩn, vô nghĩa nào được đưa ra bảo vệ. 

Vậy nên, nếu nói những luận án kia là vô bổ, là không xứng tầm, là vớ vẩn này nọ, thì đừng trách, đừng cười các nghiên cứu sinh nghiên cứu đề tài, mà hãy trách, hãy cười những giáo sư hướng dẫn, cười các hội đồng thẩm định, cười cơ sở đào tạo. Vì một điều chắc chắn rằng, những nghiên cứu sinh tiến sĩ kia không phải cứ thích là chọn và triển khai được đề tài tiến sĩ.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng quy mô đào tạo sau đại học, cụ thể là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đang được mở rộng. Về nguyên nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã từng nói, “nếu như ở Mỹ, tiến sĩ chỉ làm việc trong các viện nghiên cứu, trường học. Còn ở Việt Nam đang có xu hướng phổ cập tiến sĩ, thạc sĩ”.

Còn nhớ câu chuyện đề án chồng đề án khi đề án 911 với mục tiêu đến năm 2020 đào tạo 23.000 tiến sĩ chưa kết thúc thì Bộ GDĐT đã vội lập đề án mới đến năm 2025 đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỉ đồng. Đây là một trong những lý do khiến việc đào tạo tiến sĩ nở rộ, sinh ra các “lò ấp” tiến sĩ mà số lượng không đi đôi với chất lượng.

Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có việc đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Đây được ví như  "lò ấp" tiến sĩ, vì kết quả kiểm tra, thống kê ban đầu cho thấy, trong năm 2015, chỉ riêng Học Viện Khoa học Xã hội đã cho “ra lò” 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 1 ngày 3 giờ 55 phút cho “ra lò” 1 tiến sĩ. Đã có những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ, cho dù nghĩ mãi cũng không biết để dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì cho nền khoa học nước nhà.

Qua đó cho thấy, công tác hậu kiểm của Bộ GDĐT đối với các đề tài tiến sĩ đã được bảo vệ chưa được làm đến nơi đến chốn, chưa triệt để và cách giải quyết cũng nửa vời.  

Cần phải siết chặt hơn nữa đối với việc đào tạo tiến sĩ thông qua việc sàng lọc, thanh tra các cơ sở đào tạo hàng năm; quy trình thẩm định hồ sơ, bảo vệ luận án tiến sĩ phải được thực hiện nghiêm túc thông qua nhiều công đoạn thảo luận, kiểm định, phản biện… Việc hậu kiểm luận án cần phải được thực hiện nghiêm túc, phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm.  

Vậy nên, chuyện cái tên luận án tiến sĩ, đừng cười người viết luận án, mà hãy cười những người khác; và cười chua xót rằng tại sao những “lò ấp” kia vẫn tồn tại mà chưa thấy ai bị lôi ra ánh sáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn