MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thi vào lớp 10 hay không là quyền được lựa chọn của học sinh. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Ép học sinh không thi vào lớp 10 là vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em

QUANG ĐẠI LDO | 23/04/2022 08:49
Việc nhà trường “vận động”, “định hướng” và ra điều kiện để học sinh không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 là vi phạm pháp luật.

Thời gian vừa qua, nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội phản ánh một số trường THCS có hình thức “hướng nghiệp” trái pháp luật, vi phạm quyền học tập của học sinh (HS) đó là ép học sinh yếu không thi lớp 10.

Theo đó, một số trường THCS tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã yêu cầu những HS đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10 để không ảnh hưởng tới thành tích thi đua của nhà trường.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), UBND TP.Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội, Phòng GDĐT quận Cầu Giấy đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Được biết, một số trường đã lên tiếng phủ nhận về cáo buộc ép buộc học sinh, tuy nhiên dư luận vẫn không ngừng sục sôi.

Một giáo viên THPT tư thục cho biết: Hiện tượng một số trường THCS có các hình thức vận động mang tính áp đặt, ra điều kiện để những học sinh yếu không thi tuyển sinh lớp 10 công lập là có thật. Theo đó, giáo viên đã trao đổi với học sinh học lực yếu và gia đình của những em này, ra điều kiện là nếu học sinh đăng ký học nghề, không tham gia thi tuyển sinh THPT, nhà trường sẽ tạo điều kiện cho tốt nghiệp THCS. Nếu học sinh vẫn đăng ký thi tuyển sinh lớp 10, sẽ bị đánh hỏng tốt nghiệp.

Hiện tượng nói trên bắt nguồn từ bệnh thành tích và việc áp đặt chỉ tiêu “phân luồng” khoảng 15-30% học sinh tốt nghiệp THCS không thi tuyển vào lớp 10 mà đi học nghề hoặc đi làm.

Luật sư Nguyễn Tất Thắng (Nghệ An) cho biết, việc làm nói trên là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền được học tập của trẻ em quy định tại Luật Trẻ em và vi phạm Luật Giáo dục.

Cụ thể, Điều 16-Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục”.

Luật Trẻ em nghiêm cấm các hành vi gây tổn hại đến sự phát triển tinh thần, thể chất và đối xử bất bình đẳng với trẻ em.

Điều 13, Luật Giáo dục 2019 quy định: “Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”.

Theo luật sư Nguyễn Tất Thắng, những hành vi phân biệt đối xử, định hướng kèm theo điều kiện có tính chất ép buộc để học sinh không thi vào lớp 10 là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong giáo dục, cần được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

“Vấn đề đầu tiên là nhận thức của lãnh đạo nhà trường, giáo viên về việc ép buộc học sinh không thi vào lớp 10 là vi phạm pháp luật để không thực hiện hành vi vi phạm. Đối với phụ huynh cần phải biết điều này để có biện pháp thu thập bằng chứng, đấu tranh hoặc báo cho cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Trẻ em cũng cần được biết về quyền và bổn phận của mình” - luật sư Nguyễn Tất Thắng nói.

Theo luật sư, hệ thống các cơ quan thông tin đại chúng cũng cần lên tiếng mạnh mẽ để đấu tranh chống lại mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn