MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Festival Huế năm nay dùng từ "khai màn" thay cho khai mạc. Ảnh: Tường Minh

Festival Huế: "Khai màn" hay "Khai mạc"

Nguyên Đức LDO | 27/06/2022 08:08

Đêm 25.6 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ khởi đầu chương trình Festival Huế 2022, nhưng không dùng chữ "khai mạc" như bình thường mà dùng từ "khai màn" để mô tả sự việc này.

Một thành viên ban tổ chức giải thích, 10 lần tổ chức trước, Festival Huế được đánh giá là sự kiện độc lập, có tầm vóc quốc gia và quốc tế, là sự kiện văn hóa nghệ thuật ấn tượng, đặc sắc xứ cố đô, hội tụ tinh hoa nghệ thuật quốc gia và nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ khác.

Năm 2022, Huế quyết định công bố Festival Bốn mùa, là sự kiện sẽ được duy trì tổ chức thường xuyên tại thành phố này, cũng với âm hưởng và ao ước trở thành điểm nhấn sự kiện văn hóa nghệ thuật đặc sắc cho vùng đất cố đô, có giá trị tầm cỡ hướng đến quốc gia và quốc tế.

Theo đó, Festival Huế sẽ lần lượt có ít nhất 4 hoạt động Festival trong một năm, và nếu đúng thông lệ kỳ tổ chức, thì Festival Huế vốn đã có trước đây chỉ là một sự kiện mùa hạ mà thôi.

Như vậy, chính quyền địa phương muốn nâng tầm một sự kiện tại Huế thành sự kiện lớn hơn, tổ chức quy mô chuyên nghiệp hơn… và khẳng định vị thế, hình ảnh một thành phố Huế trung tâm Festival của cả nước. Thành phố Huế phải được xây dựng phấn đấu thành thành phố Festival quốc gia và quốc tế đúng tầm cỡ như vậy. Festival Bốn mùa là sáng kiến nâng tầm này.

Do Festival Bốn mùa đã khởi động từ sự kiện mùa xuân, dịp Tết vừa qua, nên địa phương không xem sự kiện mở màn cho loạt chương trình Festival là sự kiện khai mạc nữa. Thay vào đó, địa phương quyết định dùng chữ "khai màn" để diễn tả nội dung muốn nói.

Có điều, khi tra từ điển, tất nhiên người ta sẽ không thể tìm thấy chữ "khai màn" này trong bất cứ văn bản, sách vở nào từ trước đến nay.

Có thể hiểu đơn giản, ban tổ chức Festival Huế đã “khéo léo” sáng chế ra một từ mới để phục vụ cho ý đồ hoạt động của mình. Ấy là ghép chữ khai mạc và chữ mở màn lại, thành chữ "khai màn".

Khai mạc, từ Hán Việt có nghĩa là mở màn. Chữ khai 开 là mở ra, chữ mạc 幕 là tấm vải che phía trên (với màn trướng quân sự thời phong kiến). Khai mạc nghĩa là giở tấm vải đậy bên trên ra, hay mở tấm vải che phía trên, khuất mắt người nhìn ra, để lộ phía sau, bên trong chứa gì.

Từ xưa đến nay, từ khai mạc đã quá sức phổ biến, và nghĩa nôm Việt Nam rất thuần nhất, minh bạch, là mở màn 𨸈幪. Mọi hoạt động khởi đầu, bắt đầu diễn ra có ý nghĩa quảng đại, công bố, đều gọi là khai mạc, hay mở màn.

Rất lạ là ban tổ chức Festival Huế đã cắt một chữ Hán ghép với một chữ Nôm để tạo ra chữ khai màn như vậy. Chữ này không nằm trong nguyên tắc tạo chữ nào của ngữ pháp tiếng Việt cả, và được cho là từ mới tối nghĩa.

Còn chữ "khai màn" tại Festival Huế, dù chỉ là chi tiết nhỏ nhưng có nên hiểu nôm na đến vậy? Bởi gìn giữ sự trong sáng của Tiếng Việt cũng là bảo tồn văn hoá, cũng là một trong những mục đích của Festival Huế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn