MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chưa kịp hoàn hồn với giá sách giáo khoa mới tăng gấp 3 thì phụ huynh ở TPHCM lại ngã ngửa khi có bậc học tăng học phí gấp 5 lần. Ảnh: Hải Nguyễn

Gánh nặng chi tiêu cho giáo dục của các gia đình ngày càng lớn

QUANG ĐẠI LDO | 11/06/2022 19:30

Trước thềm năm học mới, các thông tin giá sách giáo khoa, học phí tăng 3 - 5 lần làm người dân lo lắng. Chi tiêu cho giáo dục đang trở thành gánh nặng của nhiều gia đình.

Hơn 2 năm qua, dịch bệnh hoành hành, nhiều doanh nghiệp và lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn, giảm thu nhập, thậm chí kiệt quệ, nợ nần. Trước thềm năm học mới, thông tin về giá cả sách giáo khoa, học phí đồng loạt tăng ở mức cao làm người dân lo lắng.

Giá sách giáo khoa chương trình mới tăng khoảng 3 lần so với chương trình hiện hành đã được các nhà xuất bản niêm yết giá. Bên cạnh sách giáo khoa thì các đồ dùng học tập, sách tham khảo cũng tăng theo.

Hà Nội đã có dự kiến mức học phí cho năm học 2022-2023 như sau: “Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng/tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).

TPHCM cũng đã có kế hoạch tăng học phí trong năm học tới đây, có cấp học tăng gấp 5 lần năm học 2021-2022.

Đối với bậc đại học cũng được các trường thông báo tăng học phí từ năm học 2022 - 2023.

Bên cạnh học phí và sách giáo khoa, khoản chi phí cho học thêm, học phụ đạo, học bồi dưỡng và sách bài tập, sách tham khảo cao gấp nhiều lần học phí và sách giáo khoa mới thực sự là gánh nặng cho các gia đình. Ngoài ra, trong năm học, nhiều nhà trường còn đề ra rất nhiều khoản thu khác, làm tăng mức đóng góp của phụ huynh.

Xuất hiện nhiều mô hình giáo dục ở các địa phương gắn mác “quốc tế” hoặc “chất lượng cao” với mức thu học phí “khủng”, vượt xa thu nhập của cán bộ công chức bình thường.

Các khoản tiền thuê nhà trọ, tiền ăn và sinh hoạt phí cho sinh viên con em các tỉnh đi học đại học cũng quá sức của nhiều gia đình.

Cùng với hậu quả của dịch bệnh hoành hành, giá xăng dầu tăng kỉ lục đang làm cho cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân ngày càng khó khăn, mức độ chi tiêu cho giáo dục ngày càng lớn đã làm không ít các gia đình trở nên chật vật, áp lực cuộc sống ngày càng lớn.

Nghịch lý giữa nhu cầu tăng cường đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng và thu nhập của một bộ phận không nhỏ người dân bị giảm sút đang là bài toán nan giải. Ngân sách nhà nước cũng không thể tăng thêm mức đầu tư cho giáo dục, vì còn phải dành cho các lĩnh vực khác.

Do đó, thiết nghĩ, ngành Giáo dục cần có những giải pháp hữu hiệu chống tiêu cực, chống bệnh thành tích, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm nhằm giảm gánh nặng đóng góp cho người dân mà vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, cần xem xét tinh giản nội dung, thay đổi phương pháp giáo dục, chú trọng rèn luyện kĩ năng tự học, kĩ năng thích ứng, kĩ năng tự lập và sáng tạo thay vì phương pháp giáo dục thiên về lý thuyết hàn lâm, dàn trải, nhồi nhét, áp đặt một chiều làm thui chột khả năng tự học và sáng tạo của trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn