MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nghệ sĩ đã có đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi xúc phạm danh dự. Ảnh: NSCC

Giải pháp kĩ thuật ngăn chặn “thánh chửi” trên mạng xã hội

THANH MẾN LDO | 27/03/2022 11:23

Trước hiện tượng nhiều “thánh chửi”, “Chí Phèo” ngang nhiên xúc phạm, chửi bới người khác trên mạng xã hội, nhiều chuyên gia IT cho rằng cần áp dụng các biện pháp kĩ thuật để xử lý.

Sau sự việc bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phẩn Đại Nam bị bắt vì hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, nhiều người kiến nghị cần có giải pháp đối với tình trạng “thánh chửi”, “Chí Phèo” trên mạng xã hội.

Trong một phát biểu gần đây, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền cho rằng các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ, dùng pháp luật để quản lý xã hội và quản lý trên không gian mạng.

Cùng với đó tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, định hướng dư luận, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho người dân, xây dựng lối văn hóa ứng xử trên mạng xã hội...

Đồng thuận với quan điểm nói trên, tuy nhiên một số chuyên gia IT cho rằng, cần xem xét, phối hợp áp dụng các biện pháp kĩ thuật để ngăn chặn hiệu quả các hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

“Facebook hiện có tính năng phát hiện, hạn chế tương tác và khóa trang, xóa tài khoản đối với những hành vi vi phạm các tiêu chuẩn, chuẩn mực ứng xử mà họ đã đề ra. Nếu có sự phối hợp với cơ quan hành pháp, tư pháp các quốc gia để xây dựng bộ quy tắc hành động chung thì sẽ có các biện pháp xử lý triệt để và tích cực hơn” – chuyên gia IT Đinh Văn Hà (Hà Tĩnh) cho biết.

Theo các chuyên gia IT, hiện đối với mạng xã hội Facebook, đối với các tài khoản bị report, sẽ bị Facebook tạm dừng hoạt động, thậm chí xóa tài khoản. Tuy nhiên, tính năng này hoạt động một cách tự động, dẫn tới nhiều trường hợp bị khóa trang, xóa tài khoản không chính xác.

Chuyên gia IT Lê Hoàng Hải (Nghệ An) cho rằng, đối với trường hợp các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube...đăng tải các nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng có thể liên hệ với các đơn vị quản lý để thực hiện xóa nội dung, khóa hoặc xóa tài khoản.

Tuy nhiên, hiện nay, quy trình thực hiện việc này còn phức tạp, mất nhiều thời gian, do đó cần xem xét xây dựng các quy tắc phối hợp hành động chặt chẽ, nhanh chóng hơn.

Cụ thể, đối với trường hợp livestream hoặc đăng thông tin có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức, ứng xử, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng nước sở tại có thể liên hệ và yêu cầu đơn vị quản lý mạng xã hội đình chỉ ngay hoạt động của tài khoản mạng xã hội vi phạm.

Phía cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về đề nghị của mình và tiến hành các biện pháp xử lý, thông báo kết quả cho đơn vị quản lý mạng xã hội.

Các chủ trang mạng xã hội có quyền thực hiện các hoạt động khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, nếu có căn cứ cho rằng đề nghị đình chỉ hoạt động tài khoản mạng xã hội do họ thiết lập là không có căn cứ.

“Nếu để các chủ tài khoản mạng xã hội livestream có nội dung vi phạm, có lượng fan theo dõi lớn và diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài rồi cơ quan chức năng mới lập hồ sơ xử lý sẽ dẫn đến tác hại lớn đối với cộng đồng. Do đó, cần có các biện pháp kĩ thuật trên cơ sở quy tắc pháp lý để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến cộng đồng” – chuyên gia IT Lê Hoàng Hải nói.

Chuyên gia này cũng đề nghị cần có các giải pháp rà soát, xóa bỏ các tài khoản, nick ảo tham gia mạng xã hội với động cơ không trong sáng hoặc lừa đảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn