MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hai bất ổn lớn nhất của ngành Y và cách để thoát khỏi khủng hoảng

TS.BS Quan Thế Dân LDO | 06/08/2022 12:42

Ngành Y đang trải qua giai đoạn khó khăn. Dịch bệnh chưa qua đi thì các bất ổn nội tại của ngành Y bộc lộ gay gắt, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ.

Tiến sĩ - bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TPHCM và Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp cứu và Điều trị Tích cực Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC 

2 bất ổn lớn nhất của ngành Y 

Các bất ổn nội tại của ngành Y là gì? Đầu tiên ta thấy rõ nét một tình trạng tham nhũng tràn lan trong ngành Y. Hàng loạt lãnh đạo các cấp bị bắt trải dài trên tất cả địa bàn, từ địa phương tới Trung ương, thể hiện tham nhũng trong ngành Y đã quá mức trầm trọng.

Điều đáng chú ý là khi hàng loạt quan chức ngành Y bị bắt thì các công việc hoạt động thường ngày của ngành Y bị ảnh hưởng: Thiếu thuốc, chậm đấu thầu…

Bất ổn thứ hai là hàng loạt nhân viên y tế bỏ việc ở các cơ sở y tế công. Thống kê cho thấy, tính từ năm 2021 tới nay trên toàn quốc đã có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc. Phỏng vấn lý do nhân viên y tế bỏ việc thì lãnh đạo các bệnh viện công đều cho rằng, nguyên nhân chính là do lương thấp, không tương xứng với sức lao động bỏ ra.

Như vậy, ta thấy hai bất ổn lớn nhất của ngành Y hiện nay thực chất là một và nó liên quan tới kinh tế. Đó là thu nhập của nhân viên y tế thấp hơn công sức họ bỏ ra.

Để đòi lại công bằng đó, nhân viên y tế có hai cách: Nếu là lãnh đạo thì nhận hoa hồng, tiền biếu xén, tiền chia chác các hợp đồng mua bán thuốc men, vật tư, máy móc, xây dựng cơ bản, nhận người vào làm… Còn nhân viên y tế cấp thấp không có cơ hội tham nhũng thì chọn cách bỏ việc, chuyển sang làm nơi khác hoặc công việc khác có thu nhập cao hơn.

Trận chiến chống đại dịch COVID-19 đầy hy sinh gian khổ vừa qua, nhân viên y tế không ngại hy sinh đã dấn thân vào nơi tâm dịch không một chút run sợ. Điều đó phản ánh y đức của người nhân viên y tế luôn rực sáng. Khi hết dịch, họ lại đối mặt với những khó khăn thiếu thốn bao năm nay của ngành Y mà không được giải quyết. Vì thế, họ phải ra đi. Họ ra đi một cách đàng hoàng chứ không phải trốn chạy.

Giải pháp căn bản

Để giải quyết cuộc khủng hoảng lần này, tôi thấy mọi giải pháp nửa vời, có tính cách trì hoãn, xoa dịu… như mọi khi có vẻ như không còn tác dụng. Vì quần chúng đã chờ đợi quá lâu rồi.

Nhiều người đã chờ đợi sự thay đổi của ngành Y cả cuộc đời, đến tận lúc về hưu, với hai bàn tay trắng. Nhìn vào tấm gương của những người đi trước đã hy sinh cả cuộc đời cho những lời “tôn vinh” suông, những nhân viên y tế ngày nay đã hành động.

Họ đã dịch chuyển nơi làm việc theo sự sắp đặt của cuộc sống. Ở đâu giúp họ có một cuộc sống tốt hơn thì họ đến. Nhiều người trong số họ chuyển sang làm ở khu vực y tế tư nhân. Tính tổng số nhân viên y tế của toàn xã hội thì không có nhiều thay đổi. Cho nên chính xác ra phải gọi cuộc khủng hoảng này là “khủng hoảng y tế công”.

Nhìn vào các biện pháp của nhà nước có thể dùng để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lần này của y tế công, tôi thấy có rất ít.

Tăng lương cho nhân viên y tế để giữ chân họ lại ư? Theo tôi là rất khó. Mà kể cả có muốn tăng cũng không lấy đâu ra nguồn. Sẽ phải sắp xếp lại thang bảng lương, gây ra xáo trộn toàn xã hội. Ngành Y hiện nay đang đứng cuối thang bảng lương của toàn xã hội. Nay có ý kiến cho ngành Y hưởng lương như quân đội, công an thì chắc chắn sinh ra suy bì tỵ nạnh của các ngành nghề khác trong xã hội. Chưa kể tăng lương một vài triệu thì cũng không bõ bèn gì.

Giải pháp thứ hai là cho các đơn vị y tế tự chủ, tự làm tự ăn. Thật ra đây là giải pháp tư nhân hóa ngành Y một cách tù mù. Những đơn vị có lợi thế về mặt bằng, thương hiệu sẽ có thu nhập khá lên, còn phần lớn các cơ sở y tế tuyến dưới sẽ khó khăn hơn khi “bị” tự chủ.

Năm 2021 đã có nhân viên y tế một bệnh viện ở Hà Nội ra đường biểu tình xin trả lại “tự chủ” vì thu nhập bị giảm. Cách quản lý các cơ sở y tế tự chủ nhập nhằng về sở hữu, là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, nguồn lực từ công sản sẽ chạy vào túi những cá nhân có chức quyền.

Thật ra cuộc khủng hoảng y tế công hiện nay không có gì bất ngờ. Nhìn sang các ngành kinh tế khác, chúng ta nhận thấy họ trước kia cũng lâm vào khủng hoảng y như thế này. Nhìn vào các bài học lịch sử đó, ta sẽ rút ra giải pháp cho ngành Y.

30 năm trước, nông nghiệp khủng hoảng, cả nước đói ăn, phải nhập bo bo về cho người ăn. Ruộng đồng hoang hóa, tiêu điều, người nông dân đói nhưng không muốn làm trên mảnh đất của chung. Khi đó, những ý tưởng trả ruộng cho người nông dân vấp phải ý kiến phản đối quyết liệt…

Thế rồi sức mạnh của cuộc sống cuốn đi, bắt ta phải đổi mới. Đến nay thì sao? Ruộng đất nằm trong tay nông dân mà lúa gạo dư thừa xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới. An ninh lương thực đảm bảo, dân bây giờ chỉ ăn gạo thơm, gạo thường cho chăn nuôi.

Ngành Y lý tưởng nhất là bao cấp 100%, miễn phí hoàn toàn. Nhưng để đến được ngày đó thì còn rất xa, khi đó xã hội phải phát triển đến mức rất cao. Còn với thực trạng kinh tế hiện nay thì quy mô nền kinh tế chưa đủ sức làm việc đó.

Thống kê năm 2020, ngân sách nhà nước chi cho y tế là 5,4 tỉ USD, bằng 7,7% ngân sách nhà nước; nguồn thu khác như bảo hiểm y tế, viện phí, dịch vụ… là 6,4 tỉ USD. Tính chung ra quy mô chi phí cho y tế Việt Nam một năm khoảng 10,8 tỉ USD, tức là 112 USD cho một người. Để tạm so sánh ta thấy năm 2016, Mỹ đã chi 3,3 nghìn tỉ USD (17,9% GDP), tương đương 10.438 USD/người.

Chi trả cho y tế dù là nằm bệnh viện công hay tư thì đều dựa vào bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hiện nay do mức đóng bảo hiểm y tế của Việt Nam quá thấp nên chi trả cũng rất thấp, chưa tính đúng tính đủ các chi phí y tế.

Ví dụ, chi trả cho một đợt điều trị nội khoa tích cực ở bệnh viện hạng 3 là 2,4 triệu đồng, khoảng 100 USD. Trong khi một đợt điều trị nội trú ở Mỹ khoảng 10.000 USD. Chính vì chi trả của bảo hiểm y tế Việt Nam quá thấp nên tất cả hệ thống y tế Việt Nam cả công lẫn tư đều lao đao, càng làm càng lỗ, không có phát triển.

Sở dĩ, các cơ sở y tế còn duy trì được là do người dân phải trực tiếp chi trả bên ngoài. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, 48% chi phí y tế là do người dân trực tiếp chi trả. Như vậy, cái giá khám chữa bệnh rẻ của y tế công thực ra chỉ là danh nghĩa. Có hỏi người dân mới biết họ tốn kém như thế nào khi đi khám ở bệnh viện tuyến trên. Y tế miễn phí thật ra chỉ có ở trạm y tế xã.

Ngành Y xét đến cùng vẫn là ngành dịch vụ, một ngành kinh tế. Nếu thu không đủ bù chi thì ngành nghề nào cũng phá sản. Không thể lấy đạo đức ra để lấp vào cái lỗ hổng kinh tế ấy được.

Giải pháp căn bản của ngành Y hiện nay không có gì quá cao siêu, chỉ cần bình tĩnh nhìn ra thế giới mà học hỏi, đừng có tự kỉ ám thị rằng, mình làm cái gì cũng phải ưu việt hơn thế giới.

Hiện nay, y tế của thế giới gồm nhiều thành phần, đa chế độ sở hữu, nương tựa vào nhau làm nên một nền y tế lành mạnh. Đó là nền y tế gồm có: Y tế công, y tế tư nhân và y tế phi lợi nhuận. Ứng vào nên y tế Việt Nam, tôi hình dung ra y tế Việt Nam sẽ có các thành phần sau:

Trước hết là y tế công sẽ thu hẹp quy mô so với hiện nay, ngân sách nhà nước chỉ bao cấp cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế trong quân đội, công an, các bệnh viện người có công, các bệnh viện bệnh xã hội.

Thành phần thứ hai của y tế Việt Nam sẽ là y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Nó bao gồm các bệnh viện tư và bệnh viện công cổ phần hóa. Cổ phần hóa bệnh viện công là tư nhân hóa y tế công một cách minh bạch, chứ không phải tù mù như hình thức “xã hội hóa” như hiện nay. Nguồn lực thu được khi cổ phần hóa bệnh viện công sẽ bù đắp cho phần y tế công còn lại. Chỉ khi đó mới có thể tăng lương cho nhân viên y tế công một cách thỏa đáng.

Thành phần thứ ba của y tế Việt Nam sẽ là y tế phi lợi nhuận. Đây là các cơ sở y tế của các tổ chức từ thiện, các tập đoàn kinh tế, các chính quyền địa phương. Các cơ sở y tế phi lợi nhuận này sẽ ngày càng chiếm số đông trong các thành phần y tế, như ở Mỹ năm 2018 thì 70% số bệnh viện là thuộc về hệ thống phi lợi nhuận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn