MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều TikToker hô hào các ngành đại học vô dụng, không đáng để học gây làn sóng phẫn nỗ lớn. Ảnh: chụp màn hình

Hệ luỵ từ những video xấu độc trên TikTok đối với giới trẻ

Phương Trang LDO | 13/04/2023 21:44

Những năm trở lại đây, TikTok hay các mạng xã hội sáng tạo video ngắn đang dần chứng tỏ độ phủ sóng rộng rãi trong cộng đồng các bạn trẻ bởi mang lại sự kết nối thú vị.

Bên cạnh những mặt tích cực mà mạng xã hội này mang lại, vẫn còn đó nhiều hệ lụy xấu mà không ít người đang tiếp xúc thụ động hàng ngày từ những video ngắn, hình ảnh trên nền tảng Tiktok. 

Đằng sau sự hấp dẫn và vui nhộn mà Tiktok mang lại thì nó cũng đang chứa đựng những mặt trái vô cùng nguy hiểm với hàng loạt video liên quan đến các vấn đề nhạy cảm trong xã hội như ma túy, tình dục, bạo hành động vật, cùng không ít thông điệp nguy hiểm.  

Ở trên nền tảng mạng xã hội này, người dùng có thể thỏa sức sáng tạo nội dung, những trào lưu “hot”. Tuy nhiên, không phải trào lưu nào cũng mang tính giải trí, tích cực mà còn xuất hiện những trào lưu độc hại.  

Gần đây, TikTok Việt Nam đang lan truyền trào lưu “hướng nghiệp, chọn ngành học”, khi người làm nội dung phán xét ngành học, chê bai môi trường giáo dục, tuyên truyền lệch lạc, khiến nhiều học sinh lớp 12 hoang mang, mất phương hướng. 

Chia sẻ về vấn đề này, chị Khánh Huyền (23 tuổi, quê ở Thanh Hoá) cho biết mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu biết sử dụng đúng cách thì sẽ vô cùng hiệu quả. 

“Không thể phủ nhận TikTok có một sức hút rất kì lạ. Lướt Tiktok thực sự rất giải trí, vừa vui, vừa giúp tôi bắt kịp trend (xu hướng). Tôi học được nhiều bài học thông qua ứng dụng này” - chị Khánh Huyền chia sẻ. 

Chị Khánh Huyền cho biết, việc mạng xã hội dạng video ngắn đã mang thế giới hòa thành một thể, góp phần truyền đi những thông điệp tích cực, những phút giây thư giãn. 

Tuy nhiên, có quá nhiều năng lượng tích cực ở trong thời điểm không thích hợp cũng có thể bóp nghẹt cảm xúc của các bạn trẻ khi rơi vào tình cảnh trầm cảm, tự ti về bản thân. 

“Tôi đã đôi lần bị “áp lực đồng trang lứa” bởi nhìn thấy trên Tiktok nhiều bạn bằng tuổi, thậm chí kém tuổi tôi nhưng họ đã có thành tựu nhất định” - chị Khánh Huyền trải lòng. 

Nữ sinh viên này đã chứng kiến trường hợp một bạn trẻ rơi vào trầm cảm trong một thời gian dài do những lời bình luận ác ý, khiếm nhã, miệt thị về ngoại hình sau khi đăng tải một video về bản thân lên TikTok. 

“Những lúc như vậy, tôi thường sẽ đi dạo, trấn an, động viên và tự tìm ra điểm mạnh của bản thân để tránh tình trạng buồn bã kéo dài” - chị Khánh Huyền cho biết. 

Nguyễn Hương Giang (22 tuổi, Hà Nội) trước kia là một người “nghiện” TikTok chính hiệu, cô gái trẻ này có thể lướt TikTok cả ngày không biết chán. 

Thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ giãn cách xã hội, do ở nhà quá chán nên Giang đã bắt đầu chơi TikTok. “Lúc đầu tôi thấy khá thú vị, nhiều vấn đề bổ ích đáng để tôi lưu tâm, nhưng về sau, trang mạng xã hội này càng bão hoà, nhiều nội dung phản cảm không đúng chuẩn mực” - chị Giang cho biết.  

Thời gian gần đây, Giang đã giảm bớt tần suất lướt Tiktok vì nhiều thông tin không được kiểm chứng, thiếu tính xác thực, độ tin cậy không cao. Video chất lượng ngày càng ít đi, lướt Tiktok chỉ thấy nhiều video bày trò vô bổ. 

Do “tâm lý đám đông”, thông tin tiêu cực luôn được phát tán nhanh hơn và để lại hậu quả nặng nề. Thậm chí, thông tin càng xấu độc thì nhiều người lại cho rằng càng gần với đời sống và chân thực, nên càng hưởng ứng. 

“Các cháu của tôi đứa nào cũng “nghiện” xem TikTok và học theo những thói hư trên mạng như trừng mắt với người lớn, văng tục, chửi bậy mặc dù không hiểu ý nghĩa của câu nói. Khi được hỏi ai dạy cháu nói như vậy, cháu tôi đã trả lời là xem trên TikTok. Trẻ em rất dễ học theo thói xấu thông qua mạng xã hội, vì vậy cần ngăn trẻ em xem những nội dung tiêu cực” - chị Giang kể lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn