MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Học sinh thi khoa học kỹ thuật: Giảng viên hướng dẫn hay làm hộ?

QUANG ĐẠI LDO | 19/05/2022 09:08

Cả hai trường hợp học sinh đạt giải Nhất kì thi khoa học kỹ thuật quốc gia năm học 2021 - 2022 đều không có đề tài cụ thể khi bắt đầu làm dự án, nhưng sau đó đều giành giải cao nhất của cuộc thi nhờ sự hỗ trợ của 2 giảng viên đại học.

Đó là dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” của 2 học sinh  trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và dự án “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi” của 2 học sinh trường THPT chuyên Thái Nguyên.

Hai dự án nói trên đang gây xôn xao dư luận và có nhiều điểm giống nhau, cùng nằm trong 7 dự án được Bộ GDĐT gửi tham dự cuộc thi ISEF 2022. Cả 2 dự án đều có tính chất hàn lâm, chuyên sâu, vượt quá xa khả năng của học sinh phổ thông và cùng do 2 giảng viên đại học có học vị tiến sĩ hướng dẫn.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - người hướng dẫn tự khai với nội dung đánh giá, chứng nhận vai trò và đóng góp của học sinh trong dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt“. Ảnh: LT

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng khoa Hóa học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - là người hướng dẫn hai học sinh Hà Nội, còn TS Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên hướng dẫn 2 học sinh tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án.

Trong tờ khai 1C cung cấp thông tin với ban tổ chức ISEF 2022, TS Nguyễn Phú Hùng và PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà đều xác nhận các nội dung: Học sinh thiết kế phương pháp nghiên cứu, học sinh vận hành các thiết bị phân tích, khi tiến hành thí nghiệm, hầu hết các công đoạn do học sinh tự làm, thực hiện các kĩ thuật chuyên sâu, phức tạp (công việc đòi hỏi người có chuyên môn và trải qua đào tạo, tập huấn kĩ lưỡng - PV).

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, cả hai giảng viên Nguyễn Phú Hùng và Nguyễn Ngọc Hà đều cho biết ban đầu, khi học sinh tìm đến nhờ hướng dẫn dự án, cả hai nhóm đều không có đề tài cụ thể. Nhóm học sinh Hà Nội chỉ có nguyện vọng “muốn xử lý một vấn đề môi trường”, còn nhóm học sinh Thái Nguyên là “muốn nghiên cứu một cây thuốc nào đó có khả năng trị bệnh ung thư”.

TS Nguyễn Phú Hùng- người hướng dẫn tự khai với nội dung đánh giá, chứng nhận vai trò và đóng góp của học sinh trong dự án thi KHKT quốc tế. Ảnh: LT

Sau đó, qua trao đổi, thảo luận, nhóm học sinh và người hướng dẫn mới xác định đề tài của dự án. Điều đặc biệt nữa là các đề tài của 2 nhóm học sinh đều có những nội dung trùng với các nghiên cứu trước đó, và trùng với hướng nghiên cứu của 2 giảng viên đại học. Hai người hướng dẫn cũng thừa nhận học sinh chưa nắm vững các kĩ thuật xử lý thông tin phức tạp, nên phải hướng dẫn kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Mâu thuẫn trong nội dung tờ khai 1C với nội dung trao đổi với báo chí về quá trình hướng dẫn học sinh triển khai dự án của 2 giảng viên đại học cho thấy có sự "nhập nhằng" ranh giới giữa “hướng dẫn” và “làm hộ” các học sinh thực hiện dự án thi KHKT.

Khi học sinh không có kiến thức chuyên môn nền tảng, không có lý lịch khoa học phù hợp, không chuẩn bị được đề tài, không nắm vững các kỹ thuật thu thập, xử lý thông tin phức tạp, lại thực hiện các đề tài phát triển và đang đi học phổ thông toàn thời gian... thì không thể thực hiện được dự án đảm bảo tính mới và rất khó đảm bảo tính trung thực như yêu cầu của quy chế cuộc thi.

Việc các dự án nói trên vẫn giành giải Nhất quốc gia, được đưa đi dự thi quốc tế cho thấy cần xem xét trách nhiệm của ban giám khảo các cấp trong việc thẩm định các dự án dự thi.

Thiết nghĩ, để bảo đảm tính trung thực, công bằng của cuộc thi, Bộ GDĐT cần bổ sung quy định học sinh dự thi phải qua vòng sát hạch để chứng minh là người thực hiện dự án, trường hợp dự án được làm hộ lọt vào dự giải, ban giám khảo phải chịu trách nhiệm và có các hình thức kỉ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân, tập thể liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn