MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Hộp cơm thịt chuột" là đặc sản dự cuộc thi lễ hội ẩm thực "Ngày Tết quê em" ở huyện Nam Giang, Quảng Nam.

"Hộp cơm thịt chuột" - Cẩn trọng với thông tin giả trên mạng xã hội

An Thượng LDO | 13/09/2022 10:06

Quảng Nam - UBND huyện miền núi Nam Giang đã tìm ra địa chỉ phát tán thông tin "hộp cơm thịt chuột" của học sinh vùng cao, gây "bão mạng" mấy ngày qua. Sự thật không có bữa cơm thịt chuột nào của học sinh vùng cao Nam Giang.

Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam - ông A Viết Sơn cho biết hộp cơm kèm theo con chuột được cho là bữa ăn của học sinh vùng cao huyện Nam Giang đang lan truyền trên mạng xã hội không đúng thật. Sau 2 ngày triển khai việc rà soát, điều tra, đến cuối ngày 12.9, các cơ quan chức năng của huyện đã xác định được nguồn gốc, địa điểm của bức ảnh.

Tuy nhiên, hình ảnh này được chụp vào thời điểm tháng 12 năm 2019 tại một điểm trường cơ sở thôn Dung, thị trấn huyện lỵ - Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang trong một dịp giới thiệu "thực đơn" có trong bữa ăn của đồng bào các dân tộc Nam Giang.

Theo nội dung các hoạt động trong ngày Tết này, có phần thi chế biến, trưng bày các món ăn đặc sản truyền thống các dân tộc sinh sống trên địa bàn, giáo viên đã vận động phụ huynh mang theo các món ăn ẩm thực truyền thống, đặc sản của địa phương đến trường để cùng nhau chế biển, trưng bày trong hội thi. Có phụ huynh đã mang theo cơm với thịt chuột rừng là món ăn dân dã của đồng bào. Cô giáo chụp lại để làm kỷ niệm.

Ông A Viết Sơn cũng cho biết thêm, văn hóa ẩm thực tại địa phương, món thịt chuột núi hoặc thịt sóc là một món ăn truyền thống rất được ưa thích, thường được sử dụng trong các buổi tiệc lớn như cưới xin, mừng nhà mới hoặc trong mỗi bữa ăn... Cho nên, việc ăn cơm với thịt chuột (nếu có) cũng là một chuyện bình thường trong đời sống văn hóa của đồng bào vùng cao.

Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội mượn hình ảnh (vốn chỉ hình chụp kỷ niệm lễ hội của cô giáo - có chia sẻ trong nhóm) để đăng tải thông tin không trung thực về sự việc, không đúng ngữ cảnh, đã gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, thông tin sai lệch về bức ảnh, cho rằng đây là thực trạng "xót xa về bữa ăn của học sinh vùng cao...".

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Nam Giang tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có liên quan.

Thông tin giả cố tình đánh vào sự thương cảm, lòng trắc ẩn của con người nên đã tạo ra hiệu ứng mạnh, lan truyền rất nhanh, gây nhiều hệ lụy xấu. Người chủ động tạo và phát tán tin giả có thể có mục đích riêng, nhưng phần lớn người chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội đôi khi chỉ vì sự thương cảm, muốn lan tỏa để mong có sự can thiệp, giúp đỡ cho các học sinh nghèo, vùng cao, miền núi, là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Dù vô tình tiếp tay, nhưng người chia sẻ, phát tán tin giả trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý rất nghiêm. Vì vậy, người dùng phải hết sức tỉnh táo trước những thông tin nhạy cảm, gây sốc kiểu "hộp cơm thịt chuột" của học sinh vùng cao vừa qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn