MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Nguyễn Chiến Thắng thừa nhận sai phạm trong quá trình công tác và xin lỗi người dân. Ảnh: H.L

Khi lãnh đạo cúi đầu xin lỗi nhân dân

LÊ PHI LONG LDO | 12/04/2022 11:22

Tại phiên tòa xử các cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa liên quan đến những sai phạm tại các dự án trên núi Chín Khúc, khi được nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng nói rằng, đây là bài học xương máu, là lời cảnh tỉnh cho các thế hệ lãnh đạo kế tiếp; rồi ông cúi đầu xin lỗi nhân dân.

“Cho tôi được cúi đầu xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa vì sự lầm lỗi, không hoàn thành trách nhiệm và sự tin cậy đã dành cho tôi” - ông Nguyễn Chiến Thắng nói.

Thời gian qua, việc các lãnh đạo “dính chàm” rồi cúi đầu xin lỗi cũng không có gì là lạ lắm; việc hàng loạt cán bộ cao cấp bị khởi tố, xét xử, “vào lò” đã cho thấy sự nguy hại của hành vi bắt tay lũng đoạn chính sách nhằm trục lợi của nhóm lợi ích của một bộ phận cán bộ lãnh đạo.

Điều đáng nói, các hành vi trên đã âm thầm diễn ra trong thời gian dài, một số chỉ được phát hiện sau khi đã… về hưu; và hậu quả đã xảy ra, gây thiệt hại rất to lớn cho nhà nước, khiến niềm tin của người dân vào cán bộ bị giảm sút.

Đó là ông Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn và những phi vụ gây thất thoát nghìn tỉ; cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giúp tư nhân thâu tóm đất vàng; cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến “dính chàm” vì Út “trọc”; hàng chục quan chức cao cấp bị khởi tố vì liên quan đến Vũ "Nhôm”; hay bộ ba lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa gồm ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên gây thiệt hại 17.000 tỉ đồng như đã nói ở trên… 

Ông Đào Công Thiên (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) nói lời sau cùng như thế này: “Bị cáo tin tưởng các thế hệ lãnh đạo sau này rút ra được những bài học kinh nghiệm và đi với bước chân vững chãi”.

Đọc những dòng tin về khởi tố, bắt bớ, xét xử quan chức, ai cũng trăn trở, rằng tại sao những hậu quả nặng nề như thế lại âm thầm diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện; hay có “thế lực” nào đó đồng lõa, bao che; và quan trọng hơn, những sai phạm ấy đã hết chưa, hay chỉ "lộ" người này mà người khác cũng âm thầm vi phạm mà chưa hoặc không bị phát hiện? 

Đó phải chăng là những “lỗ hổng” trong cơ chế, chính sách, nếu không kịp thời phát hiện và xử lý thì hậu quả sẽ tiếp tục xảy ra, và sẽ còn nữa những hình ảnh các quan chức cúi đầu xin lỗi nhân dân trước vành móng ngựa.

Ai cũng nhận thấy rằng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo được niềm tin trong tất thảy người dân, đã xử lý nghiêm với phương châm “không có vùng cấm”, tất cả được thực hiện quyết liệt, bài bản.

Những vi phạm có nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan. Nhưng có một nguyên nhân rất đáng lo ngại là đã xuất hiện những dấu hiệu “lợi ích nhóm”, những “lợi lộc” từ quá trình được trao quyền, vậy nên những lãnh đạo biến chất kia đã cố tình thực hiện những quyết sách sai hoặc cố tình làm sai để được “hưởng lộc”.

Vậy nên, phải chú trọng việc lựa chọn, bổ nhiệm đúng cán bộ “đúng người, đúng việc”; kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm; ngăn ngừa sớm, không để lọt vào bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất, mưu đồ tư lợi cá nhân.

Lãnh đạo sai thì phải xin lỗi, và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, điều đó là tất yếu.

Hành vi cúi đầu xin lỗi nhân dân của vị cựu phó chủ tịch tỉnh là sự hối cải, thấy ân hận trước nhân dân. Nhưng không ai muốn lặp lại hình ảnh lãnh đạo cúi đầu xin lỗi nhân dân vì những sai phạm như thế, phải làm sao để những cán bộ không phải cúi đầu trước vành móng ngựa - đó mới là điều quan trọng.

Vì vậy, hãy làm đúng, làm vì lương tâm, trách nhiệm để khi về hưu được dân kính trọng, yêu thương và không phải cúi đầu xin lỗi nhân dân rồi bước vào phòng giam. Nhân dân bức xúc nhưng cũng đau lắm chứ!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn