MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người già có cuộc sống khá khó khăn do không có lương hưu. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Không có lương hưu, người già sống nhờ các con

Bảo Hân LDO | 12/01/2023 11:10
Rất nhiều người già hiện nay không có lương hưu, chi phí sinh hoạt của họ gần như trông chờ vào sự hỗ trợ của các con. 

Bà Trần Thị Đ (trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) năm nay đã 91 tuổi. Trước đây, bà là dạy mẫu giáo, nhưng sau đó nghỉ việc, làm nông. Như nhiều người phụ nữ ở nông thôn quanh năm làm ruộng khác, khi đến tuổi nghỉ hưu, bà không có lương hưu. Chồng đã mất, hiện bà sống một mình. Người con trai thứ sống sát bên cạnh bà. 

Không có lương hưu, bà chỉ có một khoản trợ cấp xã hội cho người từ đủ 80 tuổi trở lên là 360.000 đồng/tháng. Hầu như mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của bà đều nhờ vào các con.

Các con của bà đều lấy vợ, lấy chồng ở trong xã, nên thường xuyên chạy qua, chạy lại, hôm người con trai mua cho bà cân thịt, ngày thì người con gái mua mớ rau.

Không phải là những người có “của ăn, của để”, nên các con không thể hàng tháng gửi cho bà một số tiền cố định để bà chi tiêu cho cuộc sống tuổi già. 

Bữa ăn của bà đôi khi chỉ là miếng thịt hấp và mớ rau luộc hái từ vườn nhà. Tính ra, mỗi ngày tiền thực phẩm chỉ hết khoảng 30.000 đồng. 

Dù đã cao tuổi, nhưng bà vẫn tự nấu ăn, tự lo được sinh hoạt cá nhân, không phiền đến con cháu. Thi thoảng, con cháu về thăm lại biếu bà tiền. Những khoản tiền này bà dành dụm, cùng với tiền trợ cấp cho người già, để đi đám hiếu, hỉ hay những việc nhỏ đột xuất khác. 

Bà Đ chỉ mong mình khoẻ mạnh, tự lo cho sinh hoạt của mình, không phiền đến con cái. Không có lương, cuộc sống của người già như bà khá eo hẹp. Nhưng may mắn là ở quê, sẵn con rau, con cá; lại sống gần nhà nhiều người con nên bà được hỗ trợ hàng ngày. Nhu cầu của người già khá ít, nên chi phí hàng tháng của bà không nhiều, chủ yếu là tiền mua thực phẩm. 

Cũng giống như bà Đ, gần như cả đời bà Trần Thị O (85 tuổi, trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) gắn với cây lúa, hạt gạo, nên khi tuổi già đến, bà không có lương hưu. Hiện bà đang được hưởng tiền tuất của chồng, mỗi tháng 600.000 đồng.  

Nhiều năm nay, bà sống cùng gia đình người con trai cả, ăn ở tại gia đình con. Các con trai khác lập nghiệp ở xa, thi thoảng mới về thăm nhà. Khoản tiền tuất cùng các khoản tiền con cháu biếu, bà dành dụm để chi tiêu cho một số nhu cầu cá nhân cũng như để đi các đám hiếu, hỉ của họ hàng, làng xóm. Thi thoảng con cháu về, bà dùng số tiền dành dụm được để mua sữa làm đồng quà, tấm bánh cho các cháu. Cũng như nhiều người cao tuổi khác, bà chỉ mong giữ được sức khoẻ, có thể tự lo sinh hoạt của bản thân, không phiền đến con cháu.  

Theo khuyến nghị của chuyên gia đến từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại hội thảo “Nhận diện các vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau” vào tháng 6.2022, với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn