MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ quan chức năng đã xử lý các phương tiện hút cát trái phép lòng sông Gâm sau phản ánh của Lao Động. Ảnh: Tân Văn.

Kiểm tra, xử lý tàu bè "cát tặc" trên sông Gâm sau phản ánh của Báo Lao Động

Tân Văn LDO | 01/07/2023 07:21

Cao Bằng - Ngay sau phản ánh của Báo Lao Động, UBND xã Lý Bôn đã kiểm tra xử lý các tàu bè, chủ phương tiện hút cát trái phép trên sông Gâm.

Sáng 1.7, thông tin đến phóng viên, ông Nông Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Lý Bôn khẳng định: "Ngay sau phản ánh của Báo Lao Động, địa phương đã lập tổ công tác đi kiểm tra dọc tuyến sông Gâm.

Qua kiểm tra, UBND xã yêu cầu các chủ tàu hút cùng nhóm công nhân phải dừng ngay việc hút cát đồng thời phải ký biên bản cam kết không tái diễn việc làm này".

"Hiện, cơ quan chức năng tại địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi sát dọc tuyến sông Gâm để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm" - ông Bình nói thêm.

Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, nhiều người dân xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) bày tỏ sự bức xúc xen lẫn khó hiểu khi dòng sông Gâm chảy qua địa phương thời gian qua xuất hiện nhan nhản những con tàu liên tục vươn vòi, vục xuống lòng sông ngày đêm moi móc cát.

Cát được bơm trực tiếp từ thuyền lên xe tải.

Mỗi ngày có khoảng 3 tàu hút cát luôn án ngữ trên sông, màu trong xanh vốn có của dòng sông nay đã chuyển sang đục ngầu của bùn cát. Mỗi con tàu di chuyển tới đâu, nước nơi đó lại đục đen theo vì các vòi hút cát liên tục sục sạo dưới lòng sông.

Khu vực chủ yếu mà các tàu cát này xuất hiện là ven Quốc lộ 4C (tuyến đường kết nối Cao Bằng - Hà Giang), các nhóm người này thường hút cát dưới lòng sông rồi để ngay trên thuyền, khi có người mua, cát sẽ được bơm trực tiếp từ dưới thuyền lên thẳng thùng xe tải chở đi.

Điểm đến của những xe cát này ngay tại huyện Bảo Lâm, một số khác nhằm thẳng hướng Hà Giang tiêu thụ.

This browser does not support the video element.

Video các đối tượng hút, bơm cát được PV ghi lại.

Được biết, nhiều năm qua, Bảo Lâm là một trong những địa phương luôn trong cảnh thiếu vật liệu xây dựng thông thường. Khi phải mua từ nơi khác về, các vật liệu như cát, đá... bị đội giá lên rất nhiều do quãng đường vận chuyển xa.

Năm 2023, huyện Bảo Lâm sẽ đầu tư xây dựng 138 công trình, dự án và nguồn cung các vật liệu xây dựng thông thường tiếp tục đặt ra nhiều thử thách cho huyện biên giới vùng biên này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn