MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm gì để tình trạng “ngâm” hồ sơ của dân không còn tiếp diễn?

ThS Phạm Văn Chung LDO | 31/12/2021 10:00
Có thể nói, những năm gần đây, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, vượt ngoài mong đợi. 

Gần như tất cả thủ tục hành chính đều được công bố, niêm yết công khai, minh bạch, rõ ràng như cơ quan giải quyết, trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết, phí, lệ phí (nếu có)...

Chính vì vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính.

Nhiều thủ tục hành chính còn được thực hiện trực tuyến, liên thông ở cấp độ 3, 4 nên đã tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, chi phí, công sức đi lại cho người dân.

Đặc biệt, nếu quá thời hạn giải quyết theo phiếu hẹn thì cơ quan thụ lý hồ sơ buộc phải có thư xin xỗi và hẹn lại thời hạn cụ thể cho người dân.

Và quy trình này đều có hệ thống theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức liên quan không thể "lờ" đi hoặc việc "ngâm" hồ sơ ít khi xảy ra như trước đây.

Tuy nhiên, tình trạng "ngâm" hồ sơ, giấy tờ của người dân vẫn tiếp diễn ở một số nơi, khá nghiêm trọng. Vụ việc mới đây nhất là cán bộ địa chính - xây dựng một phường ở TT-Huế đã "ngâm" hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân trong 4 năm!

Việc "ngâm" hồ sơ của dân có nhiều nguyên nhân, khách quan như một số hồ sơ vướng quy định pháp luật, do quy định pháp luật có nhiều "điểm nghẽn", không có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể để giải quyết hoặc 50/50 làm có thể sai nên cán bộ không dám làm.

Ngoại lệ có một số trường hợp người dân không đến nhận hoặc "quên" thật, nhất là trường hợp còn nợ nghĩa vụ tài chính như thuế, phí... đối với hồ sơ đất đai.

Tuy vậy, vì lý do khách quan rất ít, hiếm khi xảy mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, có trách nhiệm trong việc thụ lý, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Nhiều cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc có biểu hiện "vòi vĩnh", tiêu cực đó là ai "bôi trơn", phong bì thì giải quyết, còn không thì thụ lý rồi... để đó!

Khi có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu thì thường họ để dân chờ hoặc bắt người dân phải đi lên, đi xuống bổ sung giấy tờ hồ sơ này nọ lắt nhắt nhiều lần. Nghiêm trọng hơn là không giải quyết, "ngâm" vô thời hạn với muôn vàn lý do...

Điều này gây bức xúc, bất bình trong nhân dân làm mất lòng tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức và cả hệ thống chính trị. Để giải quyết triệt để tình trạng này, theo tôi cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các nội dung sau:

Thứ nhất, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước có thẩm quyền cần vào cuộc sớm nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, hướng dẫn cụ thể để xóa, các "điểm nghẽn", lấp đầy những "khoảng trống pháp luật" trong các văn bản pháp luật hiện nay tạo điều kiện cho cơ quan chức năng, cán bộ, công chức có cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Điều này cũng nhằm hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vì pháp luật không cụ thể, rõ ràng nên làm cũng được mà không làm cũng chẳng sao!

Thứ hai, có biện pháp xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu khi thụ lý, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân.

Đối với cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm cần xem xét loại ra khỏi hệ thống cơ quan nhà nước, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống chính trị, giảm sút lòng tin của nhân dân.

Ngoài ra, cần có chế độ chính sách thỏa đáng đối với cán bộ, công chức trực tiếp thụ lý, giải quyết các thủ tục hành chính để động viên, khuyến khích cũng vừa ngăn ngừa họ tiêu cực, nhũng nhiễu. Phương châm là “không dám tiêu cực, không cần phải tiêu cực”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn