MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Lạm phát” giấy khen học sinh giỏi

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 01/06/2023 21:18
Tổng kết năm học lớp 11, cháu gái tôi (đang học tại một trường THPT ở tỉnh Quảng Ngãi) đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Ngoài tờ giấy khen, cháu còn được nhà trường tặng thêm một xấp vải màu trắng để may áo dài nhằm động viên tinh thần, thành tích, sự cố gắng của cháu trong suốt một năm học. 

Cháu kể lớp cháu có tổng cộng 58 bạn, trong đó có 11 bạn đạt thành tích là học sinh giỏi, 39 bạn đạt thành tích là học sinh khá, còn lại 8 bạn đạt học lực học sinh trung bình. Cháu xếp hạng thứ 5 trong số các bạn trong lớp đạt thành tích là học sinh giỏi. 

Với thành tích này, mẹ cháu và cả người thân trong gia đình ai nấy cũng đều vui, tự hào. Mẹ cháu tặng cháu một món quà và đăng thành tích của con lên trang mạng xã hội cá nhân như Facebook, Zalo... nhằm để chia sẻ cũng như khoe với bạn bè và người thân... 

Mặc dù đạt được thành tích học sinh giỏi toàn diện và đứng ở vị trí thứ 5 trong lớp chọn nhưng cháu tâm sự với tôi rằng có ý định nghỉ học. Cháu đã từng nói với mẹ về ý định này, nhưng bị mẹ mắng. 

Lý do cháu chán nản việc học hành của mình xuất phát từ áp lực học hành, thi cử và cả áp lực về thành tích buộc phải đạt được trong một lớp chọn. Điều đó khiến cháu chán nản, không còn hứng thú hay tìm thấy niềm vui mỗi khi đến trường lớp như trước đây nữa. 

Cháu còn tiết lộ thêm một điều nữa làm cho tôi giật mình, đó là việc đạt thành tích của cháu cũng như nhiều bạn trong lớp một phần là do những bài tập, những bài kiểm tra trong lớp hay thi cuối học kỳ... đều là những tập tương tự như bài đã được đi học thêm trước đó. Để kiểm chứng, tôi thử đưa một đề văn để cháu phân tích nhân vật và bình giảng. Kết quả cháu chỉ làm bài đạt ở mức trung bình theo đánh giá của tôi chứ chưa nói đến năng lực giỏi hoặc khá.... 

Có thể thấy, việc con em trong mỗi gia đình đạt được thành tích học sinh giỏi, khá hay xuất sắc, nhất là bậc học phổ thông trung học trong kỳ tổng kết cuối năm học như hiện nay cũng là điều đáng mừng, đáng hãnh diện và đáng tự hào đối với các bậc phụ huynh, cha mẹ và cả những người thân trong gia đình nếu đó là thành tích hoàn toàn phản ánh đúng với năng lực của con em chúng ta trong việc học hành, thi cử. 

Thế nhưng trong một lớp học được tổng kết cuối năm (như trong chính lớp học của cháu tôi), có bao nhiêu em đạt học lực, thành tích là học sinh gỏi, học sinh khá được phản ánh đúng thực tế, đúng khả năng là thành tích và năng lực trong học tập? 

Tôi vẫn còn nhớ, thời đi học của mình, nhất là thời học phổ thông trung học một lớp chừng 45 người hoặc 50 người, thế nhưng tỷ lệ đạt học sinh khá, giỏi hầu như chỉ "đếm trên đầu ngón tay", trong một lớp chỉ có một vài em là đạt học lực khá giỏi, thậm chí có năm không có học sinh đạt học lực học sinh giỏi, còn lại là trung bình và yếu, hoàn toàn không có tình trạng "lạm phát", có quá nhiều học sinh giỏi, khá trong một lớp như hiện nay. 

Thiết nghĩ, đã đến lúc việc học hành, thi cử cũng như việc đánh giá thành tích, năng lực ở mỗi cấp học, ở mỗi trường lớp thông qua điểm số cần phải được phản ánh một cách chân thực, chính xác và công bằng.

Việc đánh giá và công nhận thành tích của các em phải trung thực, chính xác, tránh tình trạng con em nhà chúng ta ai cũng khá giỏi, ai cũng xuất sắc trong mắt mọi người, trong mắt cha mẹ, trong mắt phụ huynh nhưng thực chất việc công nhận thành tích đó hoàn toàn không chính xác, thiếu trung thực và công bằng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn