MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lạm thu đầu năm học mới: "Là một giáo viên, tôi cũng thấy buồn lòng"

Bạn đọc Diệu Hiền LDO | 27/08/2022 16:00

Loạt bài viết về tình trạng lạm thu đầu năm học mới đăng trên Báo Lao Động đang thu hút sự chú ý của bạn đọc. Không chỉ bạn đọc là phụ huynh nêu lên ý kiến, Báo Lao Động còn vừa nhận được tâm sự, nỗi niềm của một giáo viên – người đứng trung gian giữa nhà trường và phụ huynh. 

Theo dõi những bài về tình hình lạm thu trong các cuộc họp phụ huynh trong thời gian gần đây, cá nhân tôi, vốn là một giáo viên, cảm thấy rất buồn lòng. Cũng bởi, lạm thu trong trường học thường được mặc định là mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, giáo viên những người “đứng giữa” cũng mang rất nhiều nỗi niềm.

Trong thực tế, trừ một vài trường hợp ngoại lệ ra thì các vấn đề lạm thu trong trường học không liên quan đến giáo viên. Cũng bởi, hầu hết khoản tiền phải thu trong những cuộc họp phụ huynh đều là hoạt động thu chi dựa trên thỏa thuận “tự nguyện” giữa phụ huynh và nhà trường. Giáo viên chúng tôi hoàn toàn không liên quan hoặc hưởng lợi gì từ số tiền lạm thu ấy. Thế nhưng, dù muốn hay không, giáo viên vẫn là “trung gian” đứng giữa nhà trường và phụ huynh. 

Cá nhân tôi đã từng có kinh nghiệm làm chủ nhiệm suốt gần mười năm. Và đương nhiên, trong khoảng thời gian dài ấy, các cuộc họp phụ huynh đầu năm của các lớp, do bản thân chủ trì, kiểu gì cũng không tránh được việc thông báo về các khoản thu. Mà trước đó, trong các cuộc họp với ban giám hiệu để triển khai kế hoạch họp phụ huynh, những giáo viên chủ nhiệm như chúng tôi luôn được nhà trường thông báo về các khoản thu này như một hiệu lệnh. 

Buổi họp phụ huynh tại nhà trường, thay vì trao đổi về cách thức giáo dục, kỷ luật, các vấn đề liên quan đến con trẻ thì dưới áp lực từ nhiều phía, chuyện thu tiền chiếm thời lượng không nhỏ. Và đương nhiên, cả giáo viên và phụ huynh đều không có cảm giác thoải mái. Đó là chưa kể việc giáo viên “nói về tiền” cũng gây mất thiện cảm, gây ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo hay mối quan hệ giữa phụ huynh.  

Cá nhân tôi đã từng chứng kiến những cuộc tranh cãi giữa giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ và những phụ huynh không đồng ý đóng góp khi cả tập thể lớp không thống nhất các khoản thu. Phụ huynh không giữ được bình tĩnh nên lớn tiếng xúc phạm giáo viên, và ngược lại giáo viên cũng ít nhiều cảm thấy bị tổn thương nên đối đáp hơi nặng lời, nên dẫn đến mâu thuẫn.  

Có khi thầy cô chúng tôi phải ra rả giới thiệu, giải thích về các khoản thu mà... chính bản thân cũng thấy mơ hồ, khó hiểu. Cũng bởi, ngoài tiền lương do ngân sách nhà nước trả, giáo viên không có một khoản nào khác dù có thu gì từ phụ huynh đi nữa. Giáo viên không ai muốn có các khoản thu “vô lý” trong nhà trường và cũng chẳng hào hứng phải phơi mặt trước phụ huynh để nói về tiền, có khi như phải “đòi” nợ” vậy.  

Dù thế, tôi cũng đồng cảm với phụ huynh, thấu hiểu nỗi bức xúc của họ, đặc biệt trong thời kỳ làm ăn ngày càng khó khăn như hiện nay. Nhiều trường có những khoản thu vô lí mà giáo viên cũng không tài nào lý giải được. Bản thân tôi cho rằng tất cả các khoản thu chi trong nhà trường nên tuân thủ theo quy định chung của ngành. Kể cả bậc tiểu học, nếu đã thu học phí theo quy định cụ thể thì không nên thêm khoản “phụ thu” nào khác.  

Cũng bởi, cấp tiểu học không đóng học phí nhưng việc phải thu “phụ phí” thì nhiều vô kể. Mệt mỏi hơn là với trường hợp học sinh đóng tiền muộn, thiếu thì giáo viên vừa phải “hối” phụ huynh, học sinh và còn bị cấp quản lý đánh giá là “chưa hợp tác”, thậm chí kém năng lực trong các cuộc họp.  

Nếu chúng tôi không thu đủ, thu đúng thời gian trường quy định thì sẽ bị hiệu trưởng nhắc nhở trong cuộc họp hội đồng; còn thu triệt để thì thú thực rất tội nghiệp cho học sinh nhất là ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.  

Thiết nghĩ, trách nhiệm thu tiền học phí là của bộ phận kế toán tài vụ nhà trường, không phải của giáo viên chủ nhiệm. Rất mong ban lãnh đạo các trường thực hiện đúng qui định để giáo viên chủ nhiệm giảm bớt áp lực, đừng vì mải mê chạy theo chỉ tiêu, thành tích, để làm khổ thêm giáo viên, phụ huynh và học sinh mỗi khi vào đầu năm học.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn