MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phóng viên tác nghiệp tại giải V.League.

Lao Động trong tôi, tự hào của gia đình

PHƯƠNG TRANG LDO | 17/08/2024 06:30

Lao Động không chỉ là một cơ quan, một công việc mà còn là niềm tự hào của gia đình có con em cống hiến cho tờ báo đã bước sang tuổi 95.

Lao Động bước vào cuộc sống của tôi từ khi còn là một sinh viên. Tôi thực tập ở tờ báo danh tiếng bậc nhất Việt Nam. Sau đó, tôi trải qua quá trình thử việc, đào tạo và trở thành một phóng viên chính thức. Đích đến của một cô gái tuổi 21 nhiều mộng mơ đôi khi chỉ là một chiếc bảng tên nhỏ nhắn trên ngực áo.

Tấm bảng tên trên ngực áo

Tôi không thể quên được ngày lãnh đạo Ban Văn hóa - Thể thao thông báo việc mình được ký hợp đồng chính thức. Tôi chia sẻ niềm vui ấy với chồng - người thân và cũng là người bạn theo tôi trong suốt quãng đường làm báo. Anh ấy trả lời ngắn gọn: "Nhớ đeo bảng tên, đừng quên nhé".

Ít lâu sau, tôi chính thức được phát bảng tên của mình bên cạnh logo của Báo Lao Động. Tôi chưa bao giờ quên bảng tên ấy khi rời khỏi nhà. Tận sâu trong suy nghĩ, đó là một niềm tự hào. Tôi hiểu giá trị Lao Động có thể mang lại thông qua một bảng tên. Rất nhiều nhân vật vốn khó tính - đã đồng ý trao đổi, trò chuyện với phóng viên trẻ như tôi chỉ bởi tấm bảng tên luôn được cài trên áo như một tờ giấy thông hành nhỏ.

Bảng tên của Báo Lao Động là cả quá trình phấn đấu rất dài của một sinh viên từ vùng Tây Nguyên xa xôi ra Thủ đô học tập. Bắt đầu từ những bài đăng trên mạng xã hội mà tiền công chỉ đủ mua chiếc bánh mì cho bữa trưa, đến bài viết ở các trang tin giúp tôi có thể chi trả thêm một li cà phê, giờ đây, bài báo có thể giúp tôi lo cho tổ ấm của mình và xa hơn là phụng sự bạn đọc.

Thỉnh thoảng, tôi mỉm cười khi nhìn vào chiếc bảng tên màu vàng nhỏ nhắn nhưng nhiều ý nghĩa. Ở phòng khách trong căn hộ nhỏ của tôi, tấm kim loại “nhỏ nhưng có võ” được đặt cạnh nhiều thẻ tác nghiệp khác cùng các thiết bị phục vụ cho công việc. Nó xứng đáng có một vị trí thật trang trọng.

Niềm tự hào của gia đình

Mẹ tôi là một cán bộ nhà nước dành nhiều tâm huyết cho nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tôi không được dạy rằng phải làm giàu bằng mọi giá, mà hãy làm việc đúng với cái tâm của mình, không vì tiền mà sai trái. Nghề báo - một nghề gian khổ nhưng được trân quý, đó là những gì mẹ nói khi tôi còn ở quê hương.

Nói một chút về Lao Động, tôi biết đến tờ báo một cách tình cờ. Bố mẹ tôi mua báo mỗi buổi sáng và Lao Động là một trong số những tờ báo xuất hiện nhiều nhất. Ở tuổi lên 10, có thể tôi không hiểu nhiều về nội dung hay hàm ý sâu xa của những câu chuyện trên mặt báo, nhưng tôi lại được thỏa trí tưởng tượng cùng từng câu văn ở mục thể thao.

Tôi thừa hưởng tình yêu bóng đá từ gia đình. Tôi tự hỏi rằng làm thế nào để mình có thể gặp và nói chuyện với những cầu thủ hay huấn luyện viên nổi tiếng? Hóa ra, câu trả lời lại thật gần mà cũng thật xa. Hãy đi làm báo!

Lên cấp 3, tôi quyết tâm theo đuổi giấc mơ trở thành một phóng viên thể thao và tôi từng giãi bày điều đó trên mạng xã hội. Tôi cũng bấm nút theo dõi rất nhiều phóng viên thể thao trên Facebook - là những người mà bây giờ họ trở thành đồng nghiệp của tôi.
Đến khi bước vào cánh cổng trường đại học, tôi lại theo dõi thêm nhiều nhà báo khác. Thật tình cờ, một trong số đó chính là nhà báo Hoàng Lâm - người sau này thỉnh thoảng vẫn “mắng” tôi mỗi sáng.

Học mãi rồi cũng đến lúc phải tìm một con đường. Tôi bắt đầu thực tập tại Báo Lao Động. Khỏi phải nói, bố mẹ tôi rất hạnh phúc. Mẹ tôi chia sẻ mẩu tin đầu tiên của tôi về Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai trên trang cá nhân và kêu gọi mọi người vào đọc.

Nhưng, làm sao để có được những bài báo in cho bố tôi đọc mỗi buổi sáng ngoài quán cà phê? Tôi phải đợi đến năm 2021, khi tuyến bài gây chấn động về chuyện nợ lương của Câu lạc bộ Than Quảng Ninh được đăng tải nhiều kỳ trên Báo Lao Động hằng ngày. Tôi gọi điện thoại và thông báo cho bố, ông đọc và chụp lại bài báo để gửi cho nhiều bạn bè.

Tôi thật sự hạnh phúc bởi sự quan tâm từ gia đình. Ngày tôi trải qua các bài "kiểm tra" và trước khi được kí hợp đồng chính thức, bố chồng tôi cũng liên tục gọi và hỏi han về tình hình. Ông là bạn đọc trung thành của báo Lao Động hơn 20 năm qua.

Người thân của tôi tự hào vì có một phóng viên trẻ công tác tại Lao Động - tờ báo đã bước sang tuổi 95. Hằng ngày, hằng giờ, tôi vẫn tiếp tục tận hiến với tôn chỉ theo đuổi sự thật, mang từng thông tin đến bạn đọc và hướng đến nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Mẹ tôi luôn căn dặn phải nắm vững nghiệp vụ, chỉn chu trong công việc.

“Không phải chỉ những bạn đọc mà con không biết tên, chưa từng gặp, có nhiều người thân tin tưởng vào bài báo của con. Họ rất vui khi được quen biết một nhà báo”, mẹ nói.

Gia đình ở trong tim tôi, bảng tên nhỏ của Lao Động cũng được cài vào ngực trái - nơi hiện hữu của con tim. Lao Động là một phần cuộc sống, là gia đình thứ hai của tôi. Chúc mừng sinh nhật tuổi 95 - người bạn lớn mang tên Lao Động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn