MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 4.8.2021, tại hai cơ sở ở xã Đô Thành (Yên Thành-Nghệ An), công an phát hiện 17 con hổ trưởng thành bị nuôi nhốt trái phép. Ảnh: Nhật Minh

Liên tiếp phát hiện hổ khai mua từ Nghệ An: Ai chịu trách nhiệm?

QUANG ĐẠI LDO | 27/03/2022 15:35

Việc người dân Nghệ An tổ chức nuôi hổ trái phép với số lượng lớn để nấu cao cần được rà soát, xác minh và xử lý triệt để, bao gồm cả trách nhiệm cán bộ.

Vào tối 25.3, tại khu vực ngã ba Mường So, huyện Phong Thổ, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp bắt quả tang 3 nghi phạm đang vận chuyển một cá thể hổ đã chết, nặng hơn 200 kg bằng ôtô. Nhóm người này khai vận chuyển hổ từ Nghệ An đi Lai Châu để tiêu thụ với giá 615 triệu đồng.

Trước đó, vào ngày 17.3, lực lượng Công an huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) phát hiện vụ việc một số nghi can mua cá thể hổ sống tại Nghệ An, đưa về Điện Biên bằng ôtô rồi giết thịt để nấu cao, thu giữ một con hổ nặng khoảng 220 kg.

Các vụ việc nói trên đang được tiếp tục điều tra, các đối tượng liên quan sẽ bị xử lý theo quy định. Điều trùng hợp là cả hai vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đều có lời khai về việc mua hổ có nguồn gốc bất hợp pháp từ Nghệ An.

Một con hổ dân nuôi trái phép ở Nghệ An được vận chuyển ra vườn thú Hà Nội. Ảnh: LDO

Cách đây 5 năm, vào tháng 5.2017, Lê Hồng Vân (41 tuổi, trú tại tỉnh Điện Biên) đã mua 1 con hổ sống nặng 200 kg tại Nghệ An với giá 1 tỉ đồng, thuê vận chuyển ra Hà Nội để bán cho khách nấu cao.

Tình trạng người dân ở một số địa phương tại Nghệ An nuôi hổ trái phép đang diễn biến phức tạp. Cụ thể, ngày 4.8.2021, lực lượng chức năng Nghệ An ập vào bắt quả tang 2 gia đình ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành) đang nuôi nhốt trái phép 17 cá thể hổ có trọng lượng 225kg - 265kg.

Khoảng chục năm trước, tại xã Đô Thành cũng đã gây xôn xao dư luận về việc người dân lén lút nuôi hổ như nuôi lợn để bán nấu cao.

Điều đáng nói là từ đó đến nay, chưa có thông tin về trường hợp cán bộ địa phương nào phải chịu trách nhiệm liên đới, bị xử lý do để cho tình trạng người dân nuôi hổ trái phép diễn ra trên địa bàn.

Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Yên Thành giải thích việc không xử lý trách nhiệm cán bộ xã Đô Thành trong vị dân nuôi trái phép 17 con hổ vì hành vi nuôi hổ của dân rất khó phát hiện.

Đương nhiên là các hành vi vi phạm pháp luật đều được thực hiện lén lút, che giấu kĩ càng, phát hiện không đơn giản. Nhưng nếu như không truy cứu nghiêm khắc về trách nhiệm cán bộ liên quan, thì sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, buông lỏng, thậm chí thiếu trách nhiệm.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc siết chặt các giải pháp quản lý, phát động toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, cần có sự xem xét xử lý nghiêm về trách nhiệm quản lý đối với cán bộ và công an địa phương nơi để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn