MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội cần quyết liệt trong việc triển khai phân loại rác. Ảnh: Thùy Linh

Loay hoay với phân loại rác đến bao giờ?

Hà An LDO | 10/08/2024 15:30

Ngay dưới quầy lễ tân chung cư tôi ở có một thùng lớn làm bằng mi-ca kèm dòng chữ: Hãy bỏ pin không còn sử dụng được vào đây!

Lúc đầu lượng pin hỏng, dư thừa được bỏ vào thùng khá nhiều nhưng đến nửa thùng thì… dừng lại. Có cảm giác như không ai bỏ thêm vào nữa.

Câu chuyện phân loại rác ở Hà Nội có phần giống với việc huy động bỏ pin đã qua sử dụng ở trên. Nghĩa là chỉ được thời gian đầu, sau đó thì ít người làm vì cảm thấy không tiện.
Hiện nay, TP Hà Nội đã triển khai các mô hình thí điểm tại địa bàn 5 quận gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm.

Trong đó, rác thải rắn sinh hoạt sẽ được phân ra thành 4 loại gồm: chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế (các loại giấy, nhựa, kim loại…); chất thải cồng kềnh (là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như: Tủ, giường, nệm, bàn, ghế, các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây…); chất thải nguy hại (pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh…); rác thải còn lại (chất thải thực phẩm và rác thải khác).

Thế nhưng, đến thời điểm này, việc tổ chức quản lý, phân loại chất thải rắn vẫn đang bộc lộ hàng loạt những tồn tại. Lý do cơ bản nhất là Hà Nội chưa có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải hữu cơ và điểm xử lý chất thải cồng kềnh.

Theo quy định, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải có phương tiện, thiết bị phù hợp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Song, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các loại phương tiện, thiết bị trong trường hợp này.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, những tồn tại trên cần sớm được tháo gỡ để bảo đảm tính hiệu quả của chương trình, tránh đi vào “vết xe đổ” trong những năm trước. Năm 2006, Nhật Bản đã tài trợ, hỗ trợ Hà Nội triển khai thí điểm công tác phân loại rác thải tại nguồn trên một số phường ở Hà Nội. Song chỉ sau một thời gian ngắn, dự án không mang lại kết quả như kỳ vọng, nguyên nhân thì có nhiều, trong đó một trong những nút thắt chính là do chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom cũng như hệ thống pháp luật kèm theo.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, từ ngày 1.1.2025, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Các chung cư, tòa nhà văn phòng không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn sẽ bị phạt từ 200 - 250 triệu đồng…

Đã đến lúc câu chuyện phân loại rác không chỉ dừng lại ở tuyên truyền mà còn phải đi kèm một cơ chế giám sát và xử phạt. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phân loại và chế biến rác sau phân loại đòi hỏi đầu tư nhiều hơn. Có như vậy, Hà Nội mới xanh, sạch đẹp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn