MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mong giảm tuổi nghỉ hưu cho công nhân lao động trong ngành Đường sắt

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 03/06/2023 08:54
Rất mong cần quan tâm xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động là công nhân làm việc trong ngành Đường sắt, để phù hợp với tính chất đặc thù, là công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, phù hợp với sức khỏe cũng như mong muốn của họ. 

Doanh nghiệp nơi tôi làm việc chuyên về thi công xây dựng các công trình về cầu đường, đặc biệt là thi công về đường sắt. Đa số người lao động là công nhân lao động trực tiếp làm việc chân tay, thi công ngoài công trình. Đây là những chức danh cũng như những công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm như công nhân làm mới đường sắt, công nhân đại tu đường sắt, công nhân xây lắp đường sắt, công nhân hàn điện, hàn sắt trên các công trình cầu đường bộ, đường sắt.  

Hầu hết công nhân lao động trong ngành Đường sắt đều phải trực tiếp thi công, làm việc ngoài trời (tại các công trình doanh nghiệp đang thi công ở nhiều địa phương trong cả nước) dưới thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng, mưa dầm. Bên cạnh đó, chuyện vận hành thiết bị, máy móc và khuân vác, mang vác vật nặng như tà vẹt, ray, sắt thép, bê tông.... 

Việc thi công, làm việc dưới thời tiết vô cùng khắc nghiệt và thi công trên đường sắt tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và cả những nguy hiểm "rình rập" về tai nạn lao động, tai nạn giao thông đường sắt nếu công nhân, người lao động thi công, làm việc không đúng quy trình, hiệu lệnh của người chỉ huy và các thao tác trên đường sắt. 

Đó là chưa kể, có những công trình đường sắt doanh nghiệp nhận thi công ở những địa phương với địa hình vô cùng hiểm trở (một bên là vực sâu, một bên là sông suối, biển cả...), thời tiết vô cùng khắc nghiệt, xa khu dân cư...  

Có thể thấy, do tính chất công việc đặc thù, đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm và cả độc hại (bụi, tiếng ồn...) nên nhiều công nhân lao động làm trong ngành Đường sắt mới ngoài 40 tuổi và có thời gian sau hơn 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội đã cảm thấy rệu rạo, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, trong người có nhiều bệnh nghề nghiệp. Nhiều người có mắc các bệnh lý xương khớp, tim mạch và thần kinh...  

Có người sức khỏe suy giảm nghiêm trọng phải đi giám định sức khỏe để được nghỉ hưu trước tuổi chấp nhận bị trừ tỉ lệ phần trăm về bảo hiểm xã hội. Có người đành phải xin chuyển ngành hoặc xin nghỉ việc và sau đó làm thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần vì không có đủ sức khỏe để có thể tiếp tục làm công việc nặng nhọc và nguy hiểm sau nhiều năm gắn bó với ngành. Có người vì hoản cảnh quá khó khăn, không cho phép và thời gian chờ đến tuổi hưu quá lâu nên không thể bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, đành phải làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần... 

Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định độ tuổi nghỉ hưu của công nhân lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm như công nhân lao động làm việc, thi công trong ngành Đường sắt được nghỉ hưu sớm hơn nhưng không quá 5 năm so với lao động làm việc trong điều kiện bình thường. (Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường đối với nam tuổi nghỉ hưu đến năm 2028 là đủ 62 tuổi, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng từ năm 2021 và tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là đủ 60 tuổi vào năm 2035, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng từ năm 2021).  

Theo quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, theo đó tuổi nghỉ hưu của lao động nam cho đến năm 2028 là 57 tuổi, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng từ năm 2021 và lao động nữ đến năm 2035 là 55 tuổi, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng từ năm 2021.  

Như vậy, tuổi nghỉ hưu của công nhân lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành Đường sắt theo đó sẽ tăng thêm hai năm đối với lao động nam và tăng thêm 5 năm đối với lao động nữ so với Bộ luật Lao động năm 2012.  

Là một người phụ trách chế độ lao động tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp, thiết nghĩ, do tính chất đặc thù của ngành nghề, của công nhân lao động trong ngành đường sắt, rất mong Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm xem xét, điều chỉnh, kéo giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động là công nhân làm việc trong ngành Đường sắt, để phù hợp với tính chất đặc thù, là công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, phù hợp với sức khỏe cũng như mong muốn của họ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn