MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nàng dâu sợ gì khi về quê đón Tết?

Bảo Hân LDO | 29/12/2022 06:18

Mỗi dịp Tết Nguyên đán lại xuất hiện những dòng cảm thán “sợ Tết”, trong đó không ít trường hợp là từ những nàng dâu khi về quê.

Rửa bát là một trong nhiều “nỗi sợ” của những nàng dâu khi về quê đón Tết. Ảnh minh hoạ: Pikrepo 

Chị N.T.H làm việc, sinh sống ở Hà Nội. Cả năm, chị và gia đình chỉ về quê vào những dịp lễ, Tết hoặc gia đình có việc hiếu hỉ, đột xuất. Thời gian nghỉ nhiều nhất là Tết Nguyên đán. Đây cũng là dịp nghỉ ở quê mà chị H có nhiều nỗi “sợ” nhất. 

Nỗi sợ đầu tiên mà chị H trải qua đó là… rửa bát. Mỗi lần hai bên nội, ngoại tổ chức ăn uống, là phụ nữ, lại làm dâu nên chị H không “trốn” được cảnh phải ngồi rửa bát. Nếu không rửa bát, nàng dâu rất dễ bị đánh giá là không chăm chỉ. “Không phải là tôi ngại việc, nhưng mỗi lần rửa bát, do có nhiều người ăn nên lượng bát, đĩa rất nhiều. Mà không chỉ 1,2 lần, có rất nhiều lần tập trung ăn uống” – chị H than. 

Hơn nữa, ở quê thường phải ngồi xổm ở sân rửa bát - một tư thế rất khó chịu - nên mỗi lần hoàn thành xong nhiệm vụ này, chị có cảm giác như bị sụn lưng.

Theo chị H, không chỉ ở quê chồng, mà ở quê của mình, chị cũng được “mặc định” là một trong những người luôn luôn phải rửa bát. “Ở quê tôi, nấu ăn thì có cả đàn ông và phụ nữ, nhưng rửa bát thì hầu như là do phụ nữ đảm trách; đàn ông không phải làm việc này” – theo chị H.  

Ngoài ra, nỗi sợ thứ 2 mà chị H trải qua, đó là ngày tết không được ở yên 1 chỗ nghỉ ngơi mà phải đi quá nhiều để thăm và chúc tết toàn bộ họ hàng. Mỗi nhà chỉ ngồi vài phút rồi phải chạy đi, đặc biệt với những gia đình đông bà con họ hàng như nhà chồng chị H, mỗi bên lên tới mấy chục người.

Theo chị H, thay vì đi mỗi nhà một chút, rất hình thức như trên, mỗi bên nội ngoại thống nhất với nhau 1 ngày để toàn bộ con cháu về ăn uống chúc tết nhau ở nhà ông bà, còn lại thời gian dành cho nghỉ ngơi thì tết sẽ đẹp hơn nhiều. 

“Tôi rất muốn có một cái Tết thực sự là dịp để mình nghỉ ngơi, quây quần bên những người thân của mình sau một năm làm việc xa nhà, chứ không muốn phải đi chúc Tết quá nhiều và hình thức” – chị H. chia sẻ. 

Chị Đ.T.H.L (quê Thái Bình) cùng chia sẻ với nỗi niềm trên của chị H. Theo chị L, kể những điều trên ra, có thể mọi người nói mình… nhỏ nhặt, vì có mấy ngày Tết thôi. Nhưng phải trải qua mới thấy khổ sở như thế nào – một nỗi khổ rất khó nói. 

“Tôi mong sao ai cũng có một cái Tết với đúng nghĩa là quãng thời gian nghỉ ngơi, chứ không phải nhiều lần khổ sở đi rửa cả “núi” bát cũng như phải chạy “bở hơi tai” để đi chúc Tết quá nhiều nơi, mà mỗi nơi chỉ ngồi được 1 chút rồi nhấp nhổm đi sang nhà khác. Nếu chúc Tết người nào đó, hãy dành thời gian thật nhiều để thực sự có sự chia sẻ, tâm sự thì mới thật đúng nghĩa” – chị L bày tỏ.  

Cũng như nhiều người khác, chị L mong Tết thực sự là quãng thời gian nghỉ ngơi, ai cũng có một quãng thời gian thoải mái bên gia đình mà không phải trải qua những nỗi sợ, tưởng chừng như nhỏ nhặt, không đáng nói ở trên. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn