MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người già đi làm lao động thời vụ vì lương hưu không đủ sống

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 13/10/2023 09:57

Thực trạng người già, người lớn tuổi có mức lương hưu thấp nên phải đi làm thêm, làm thời vụ không còn là chuyện hiếm trong những năm gần đây.

Lý do nhiều người lớn tuổi đi làm thêm sau khi đã nghỉ hưu có nhiều nguyên nhân. Có người tiếp tục đi làm thêm, đi làm thời vụ sau nghỉ hưu là do có kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn cao được các công ty hay chính doanh nghiệp nơi mình làm việc trước đây giữ lại, ký kết lại hợp đồng lao động thời vụ. Thế nhưng cũng có nhiều người tiếp tục mưu sinh, đi làm thêm sau nghỉ hưu xuất phát từ lý do mức thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng hiện tại quá thấp, không đủ sống.

Ông Nguyễn Văn Thông, năm nay đã gần 70 tuổi, hiện là nhân viên hợp đồng lao động thời vụ, làm nhiệm vụ bảo vệ trụ sở của một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, ông Thông đã đủ tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia, đóng bảo hiểm xã hội (gần 32 năm) để nghỉ việc, hưởng chế độ hưu trí theo quy định.

Khi cầm quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội, ông Thông đượm buồn vì với thời gian tham gia, đóng bảo hiểm xã hội gần 32 năm làm công nhân và bảo vệ công ty, nay lương hưu chỉ hơn 2.600.000 đồng/tháng. Mức lương này không đủ trang trải, chi tiêu cho cuộc sống. Vì vậy, từ khi nghỉ hưu, ông xin công ty tiếp tục làm thêm dưới hình thức ký kết hợp đồng lao động thời vụ để có thêm thu nhập.

Qua nhiều lần điều chỉnh, tăng tiền lương hưu hàng năm của Nhà nước, Chính phủ, hiện tại, mức thu nhập từ lương hưu của ông Thông khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cộng với tiền lương làm thời vụ được gần chục triệu đồng.

“Mặc dù sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu nhưng tôi cố gắng làm việc để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ tiền lương hưu hàng tháng như hiện nay thì không đủ chi tiêu” - ông Thông cho hay.

Có rất nhiều người lao động lớn tuổi mà tôi được biết, sau khi nghỉ hưu, họ buộc phải làm thêm để kiếm thêm thu nhập, chi tiêu cho cuộc sống xuất phát từ tiền lương hưu hiện nay quá thấp.

Có thể nói, bản chất nhân văn, tốt đẹp của chế độ hưu trí, chính sách lương hưu là để người lớn tuổi được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già. Vậy nhưng trong cuộc sống, vẫn còn có rất nhiều người lớn tuổi sau khi về hưu vẫn buộc phải mưu sinh, kiếm sống xuất phát từ lương hưu quá thấp.

Thiết nghĩ, để người lớn tuổi không còn phải vất vả làm việc để kiếm sống, trang trải cuộc sống sau nghỉ hưu thì trước hết chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách về tiền lương hưu, cụ thể là Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cần thiết phải sửa đổi, bổ sung toàn diện, đảm bảo được thu nhập, đời sống của người tham gia, đóng bảo hiểm xã hội sau khi về hưu. Càng tham gia, đóng bảo hiểm xã hội càng lâu thì mức tiền lương hưu cần phải cao và đảm bảo được cuộc sống, nhất là những người lao động đã có thời gian tham gia, đóng bảo hiểm xã hội hơn 30 năm. Cần ưu tiên điều chỉnh, tăng tiền lương hưu hàng năm đối với người lao động có mức thu nhập quá thấp từ tiền lương hưu để đảm bảo cuộc sống.

Cùng với đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp như hiện nay; nhanh chóng phát hiện kịp thời các hành vi lách luật, trốn đóng, đóng không đúng, không đủ các khoản trích nộp bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các khoản thu nhập có tính chất từ tiền lương, tiền công hàng tháng của người lao động… Có như vậy mới đảm bảo được mục tiêu, chính sách nhân văn của bảo hiểm xã hội đã đề ra, để những người lớn tuổi hoàn toàn được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già với lương hưu hàng tháng đủ trang trải cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn