MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Quế Chi

Nhiều người lao động khó “trụ” đến tuổi nghỉ hưu

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 04/10/2023 07:00

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện độ tuổi nghỉ hưu của người lao động là cao theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, đặc biệt là những người làm các công việc đặc thù, các công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Công nhân lao động cũng cho rằng, việc tăng cao tuổi nghỉ hưu là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người lao động khó "trụ" đến độ tuổi nghỉ hưu. Thậm chí đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người lao động chấp nhận "gặt lúa non" rút tiền bảo hiểm xã hội một lần. Mong muốn của công nhân lao động hiện nay là được kéo giảm tuổi nghỉ hưu để an tâm tham gia bảo hiểm xã hội.

Đối với nhiều quốc gia tiên tiến và phát triển trên thế giới, việc tăng cao tuổi nghỉ hưu một cách hợp lý đối với người lao động cũng là điều rất bình thường, thậm chí trong một số ngành nghề, công việc, nhiều công nhân và người lao động lại được mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu nhằm kéo dài thời gian làm việc, tiếp tục được tham gia đóng bảo hiểm xã hội và quan trọng hơn là để có thêm được một khoản tiền tích lũy, để dành chăm lo cho cuộc sống, gia đình, con cái, cha mẹ từ thu nhập hàng tháng.

Có thể thấy ở những quốc gia trên, người lao động có mức thu nhập bình quân từ tiền lương, tiền công rất cao. Họ hoàn toàn có thể tích lũy và có “của để dành” từ tiền lương, tiền công hàng tháng ngoài khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, chế độ chính sách an sinh xã hội của nước họ rất tốt và các khoản trợ cấp cao còn là cách khuyến khích người lao động tham gia, gắn bó chặt chẽ với hệ thống an sinh xã hội, hệ thống bảo hiểm xã hội của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho nhân viên và người lao động luôn được giới chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động rất quan tâm và chấp pháp rất tốt, nhất là đối với các đối tượng là người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Các hành vi vi phạm Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội của giới chủ doanh nghiệp đều bị chế tài và thường bị xử phạt rất nặng, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đó là chưa kể môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường lao động của công nhân và người lao động luôn được cải thiện, áp dụng công nghệ, máy móc, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trong khi đó có thể thấy hiện nay đối với lực lượng lao động trong nước ở một số lĩnh vực, ngành nghề, môi trường làm việc chưa tốt, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn trong lao động sản xuất của người lao động chưa được đảm bảo và quan tâm đúng mức. Việc chấp pháp, chấp hành những quy định của pháp luật lao động của giới chủ doanh nghiệp chưa tốt, thậm chí là còn cố tình, lách luật để vi phạm pháp luật. Nhiều chủ sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp cố tình né tránh nghĩa vụ phải thăm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, nhất là đối với công nhân lao động trực tiếp sản xuất, làm những công việc nặng nhọc nguy hiểm và độc hại.

Đó là chưa kể có tình trạng người lao động tham gia, đóng bảo hiểm xã hội nhưng sau đó bị chủ doanh nghiệp trốn đóng khiến quyền thụ hưởng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người tham gia cảm thấy bức xúc, bất an, chưa tin tưởng vào hệ thống bảo hiểm xã hội cũng là điều dể hiểu.

Do đó thiết nghĩ việc tiến hành sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 lần này cần đánh giá thấu đáo việc tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019. Nên chăng cần linh hoạt cũng như kéo giảm tuổi nghỉ hưu như trước đây (theo Bộ luật Lao động 2012): Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là 60 tuổi đối với lao động nam và 55 tuổi đối với lao động nữ; làm việc trong điều kiện nặng nhọc 55 tuổi đối với lao động nam và 50 tuổi đối với lao động nữ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn