MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Trang phải tiết kiệm, tính toán, chi ly từ những việc nhỏ nhất. Ảnh: NVCC

Nhiều người trẻ đi làm vài năm vẫn không có khoản tiết kiệm

Phương Trang LDO | 27/03/2023 11:35

Nhiều người trẻ đi làm vài năm nhưng tài khoản tiết kiệm, tích luỹ vẫn là 0 đồng. Thậm chí, nhiều người còn phải vay tiền để chi tiêu hàng tháng.

Chưa biết cách quản lý chi tiêu, cuối tháng “nhẵn ví”

Anh Trần Minh Hiếu (25 tuổi) - kỹ sư xây dựng ở Hà Nội - thừa nhận, anh chưa biết cách cân đối chi tiêu, chưa có tiền tiết kiệm sau một thời gian đi làm. 

Mỗi tháng, anh Hiếu kiếm được khoảng 18 triệu đồng. Sở hữu mức lương cao hơn nhiều người và chưa có gia đình, nhưng anh Hiếu tự nhận thấy mình không biết cách quản lý chi tiêu. Thậm chí, nhiều khi anh Hiếu vẫn "cháy túi" dù chưa đến cuối tháng. 

Lý giải “nghịch lý” này, anh Hiếu cho biết: "Tôi và bạn thuê chung một căn hộ giá 6 triệu đồng/tháng. Mức giá này chưa bao gồm phí điện, nước. Tính ra trung bình, một tháng tôi phải trả từ 4-5 triệu đồng cho việc thuê nhà và các phí dịch vụ". 

Làm kỹ sư xây dựng, thời gian anh Hiếu ở công trình nhiều hơn ở nhà, vì vậy anh hầu như ăn cơm ngoài. Hàng ngày, anh dành ra hơn 100.000 đồng để ăn uống, tổng chi phí khoảng 3 triệu đồng/tháng. 

Ngoài ra, do thường xuyên đi liên hoan, ăn uống cùng bạn bè và đồng nghiệp, mỗi lần tốn từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng nên tiền chi cho ăn uống của anh Hiếu luôn cao hơn dự tính. 

“Giống như nhiều bạn trẻ khác, tôi rất thích tụ tập bạn bè, mua sắm. Đặc biệt, tôi rất mê mua đồ công nghệ. Cuối năm ngoái, khi vừa có lương, tôi đã “xuống tiền” mua ngay một bộ máy chơi game Sony PlayStation 5 trị giá 12 triệu đồng mà không hề do dự” - anh Hiếu nói. 

Anh Hiếu cho hay, bản thân không có thói quen ghi lại cụ thể việc chi tiêu mà chỉ áng chừng trong đầu các khoản và mục đích sử dụng.  

Đôi lúc, anh Hiếu cũng dự định để ra một khoản tiết kiệm sau mỗi lần nhận lương. Tuy nhiên, vì chưa biết cách quản lý chi tiêu, chưa biết giới hạn các sở thích nên đến cuối tháng vẫn “nhẵn ví”.  

“Mỗi khi hết tiền, tôi chỉ thấy đọng lại trong đầu nỗi trăn trở không biết đã tiêu gì với khoản thu nhập 18 triệu đồng” - anh Hiếu trải lòng.

Được hỏi tới chuyện có dự định tiết kiệm tiền để kết hôn hay chưa, nam thanh niên cho biết: “Công việc của tôi ở ngoài công trường còn nhiều hơn ở nhà thì làm gì có người yêu. Hiện tại, tôi vẫn chưa suy nghĩ tới vấn đề này”.

Anh Hiếu (áo bảo hộ xanh, bên phải) làm kỹ sư xây dựng với mức thu nhập khá cao, nhưng vẫn không dành dụm được khoản nào sau nhiều năm làm việc. Ảnh: NVCC

Tính toán chi ly, ở Thủ đô nên vẫn thiếu thốn

Chị Thu Trang (24 tuổi) - giáo viên tại một trường mầm non ở Hà Nội - tâm sự: “Đi làm được 2 năm rồi nhưng bố mẹ nhiều lần phải gửi tiền ra Hà Nội cho tôi trang trải cuộc sống”. 

Với khoản tiền lương hàng tháng hiện tại, chị Trang phải tính toán chi ly, tiêu pha cho những việc thực sự cần thiết. 

“Lương cứng ở trường của tôi khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tháng nào đăng ký làm thêm giờ như ở lại trông trẻ thêm thời gian, tôi sẽ được thêm 500.000 đồng” - chị Trang cho biết. 

Chị Trang làm giáo viên can thiệp trẻ rối loạn phát triển, một công việc cần sự tận tâm, nhiệt huyết và yêu nghề mới có thể bám trụ được. Nhiều lúc, chị cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi.  

Chia sẻ với phóng viên, chị Trang trải lòng rằng, ngay cả việc sửa chữa điện thoại, chị cũng mất cả tháng để suy tính. 

“Tới tuổi của tôi, bạn bè xung quanh đã rục rịch cưới chồng, sinh con, còn tôi vẫn ở đây chật vật với công việc của mình” - chị Trang nói. 

Chị Trang thừa nhận, ra ở riêng là cách nhanh nhất để trưởng thành. Tuy nhiên, đi kèm với cuộc sống tự do, độc lập là những bài toán khó về kinh tế. 

Một trong những vấn đề đau đầu nhất với chị Trang là cân đối chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, ăn tiêu hàng tháng. “Có tháng nhiều đám cưới, đám hỏi quá, tôi phải “cầu cứu” bố mẹ để có khoản mừng cưới” - chị Trang chia sẻ. 

Công việc hiện tại của chị Trang vẫn chưa thực sự như mong muốn. Để có được một cuộc sống ổn định ở đất Thủ đô, chị Trang phải cố gắng hơn rất nhiều.

“Đi làm xa nhà đã là một vấn đề khó nói trong gia đình tôi. Bố mẹ tôi nhiều lần khuyên nhủ tôi về quê nhưng công việc như thế này về quê rất khó để kiếm được”-  chị Trang nói và cho biết thêm, dù muốn chăm lo cho bố mẹ nhiều hơn nhưng với mức thu nhập như hiện tại thì quả thực rất khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn