MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(Hình minh họa)

Những con số biết nói

LÊ PHI LONG LDO | 10/04/2022 09:00
Trên 3 triệu trẻ cần chăm sóc sức khỏe tinh thần - đây là con số được chuyên gia của UNICEF chia sẻ. Theo đó, nhóm đối tượng từ 10-19 tuổi đang có nhiều vấn đề về sức khoẻ tinh thần rất đáng quan tâm.

Chỉ khoảng nửa tháng qua, báo chí đưa tin ở nước ta có đến 5 trẻ em tự tử, một con số gây choáng váng, và qua đó cũng gióng lên hồi chuông báo động về câu chuyện sức khỏe tinh thần cho trẻ nhỏ.

Theo Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, ở Việt Nam, tự sát là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở trẻ 10-19 tuổi. Nghiên cứu trong nhóm 15-24 tuổi, tỉ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát là 2,3%.

Đây không phải là những đứa trẻ đầu tiên lựa chọn tìm đến cái chết. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây ra tử vong ở lứa tuổi 15-19.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các cháu bây giờ đang gặp những áp lực mà nhiều khi cha mẹ không biết. Những áp lực có thể đến với các cháu từ nhiều hướng chứ không chỉ từ kiến thức, học hành.

Khi bình tâm lại, hãy cùng nói với nhau rằng, với người lớn chúng ta, điều quan trọng nhất là làm sao đừng để những sự việc tương tự tiếp tục xảy ra. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo với các bậc làm cha, làm mẹ.

Khi đọc những thông tin trên, nhiều bậc phụ huynh cũng đã thấy mình sai khi ép con học nhiều quá, phải đạt thành tích này, thành tích kia; khi con mình không đạt như kỳ vọng thì to tiếng, quát nạt, gây áp lực lên những đứa trẻ.

Đó là sai lầm, và hậu quả đã được chứng minh rất nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, trẻ thường xuyên phải ở nhà, phải học online, ít tiếp xúc với xã hội, không gặp bạn bè cùng trang lứa nên số trẻ bị stress nhiều hơn. Vì vậy cha mẹ phải tâm lý, để hiểu con mình hơn.

Bố mẹ ai cũng thương con, hết mình vì con cái, ai cũng muốn dành cho con tất cả những điều tốt đẹp nhất, nhưng đôi lúc vì chưa hiểu được con nên đã áp đặt con phải đạt những gì mình mong muốn; thường áp đặt suy nghĩ của mình vào các hành vi của con.

Hãy ngộ ra sớm, dừng lại và có cách giáo dục phù hợp. Như các chuyên gia giáo dục đã nghiên cứu, giáo dục con là phải nghiêm khắc, để các cháu nên người, nhưng không có nghĩa là phải ép con phải thế này, thế khác, rồi gây áp lực cho con trẻ. Hãy để các cháu được phát triển tự nhiên, phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng. 

Đừng thờ ơ trước những con số thống kê kia - đó là những con số biết nói, rất là đau xót!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn