MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi ám ảnh thi vào lớp 10 trường công lập

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 21/05/2024 14:06

Vài năm trở lại đây, việc thi chuyển cấp vào lớp 10 trường công lập được ví von là còn khó hơn cả thi đại học, trở thành nỗi ám ảnh của không ít sĩ tử và các bậc phụ huynh.

Tôi vẫn còn nhớ cảnh cháu tôi chuẩn bị thi vào lớp 10 trường công lập năm trước. Buổi sáng học ở trường xong, trưa về nhà, cháu ăn vội chén cơm. Nghỉ ngơi chừng hơn mươi lăm phút là cháu bắt đầu được cha mẹ chở đi học thêm (đi luyện thi ba môn chính tại các trung tâm hoặc tại nhà thầy cô giáo ) với quyết tâm thi đỗ vào trường công lập.

"Nhốt" mình cả ngày trong phòng để học bài, chỉ tới bữa cơm trưa hay cơm chiều, cháu mới ra ăn vội chén cơm rồi vùi đầu vào học tiếp. Có khi cháu học đến 1,2 giờ sáng. Chưa hết, khi thi xong, thời gian chờ đợi kết quả cũng là nỗi ám ảnh đối với cháu.

Nỗi ám ảnh, áp lực trong kỳ thi chuyển cấp, thi vào lớp 10 các trường công lập như hiện nay cũng là điều dễ hiểu khi số lượng các trường công lập không nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công cũng có giới hạn với số lượng quy định. Theo thống kê, sẽ có khoảng hàng trăm nghìn các em thi chuyển cấp, thi vào lớp 10 các trường công lập sẽ rớt, không thể tiếp tục đi học vào các trường công.

Mong muốn được thi đỗ và tiếp tục đi học tại các trường công lập không chỉ là nỗi mong ước của các em mà còn là điều mong muốn, mong ước của cha mẹ, phụ huynh, nhất là đối với các em học sinh có hoàn cảnh còn nghèo khó, ở nông thôn như cháu tôi. Thi đậu vào trường công lập đồng nghĩa là chi phí học hành, tiền học phí hàng tháng sẽ thấp hơn rất nhiều so với trường tư, trường bán công, sẽ bớt được nỗi lo "cơm áo gạo tiền".

Thực tế, có nhiều em sau khi trượt trường công đành phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình không đủ khả năng để học trường tư dù mơ ước và nỗi khát khao về con chữ vẫn còn vẹn nguyên...

Thiết nghĩ, cần tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập nhằm để tạo cơ hội nhiều hơn nữa cho các em học sinh, nhất là các em học sinh có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, nghèo khó, ở vùng nông thôn như cơ quan quản lý giáo dục đề xuất mới đây.

Để làm được điều đó cần quan tâm, đầu tư, nâng cấp xây dựng, mở rộng thêm cơ sở vật chất trường lớp; cần có chính sách xét tuyển bổ sung, có chính sách khuyến khích, cộng điểm đối với các em có hoàn cảnh nghèo khó, vùng nông thôn khi thi tuyển vào các trường công lập, để tạo sự công bằng và việc học hành của các em.

Đối với các em học sinh không đỗ lớp 10 trường công, tùy theo điều kiện hoàn cảnh gia đình mà có thể lựa chọn học tiếp tại các trường tư thục, bán công.

Còn nếu không có điều kiện thì hãy cho các em học nghề vừa sức và theo khả năng, năng lực cũng như đam mê nghề nghiệp của các em; hoặc các em cũng có thể vừa học nghề vừa học bổ túc văn hóa, vừa giảm gánh nặng về chi phí, tiền bạc vừa rút ngắn thời gian trong việc học hành, thi cử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn