MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Công ty Techgel cho biết công ty đã nợ lương từ tháng 3.2023 đến nay, nhiều lần hứa nhưng không chi trả. Ảnh: Phương Ngân

Nỗi khổ của công nhân bị doanh nghiệp nợ lương kéo dài

Bạn đọc Nguyễn Đước LDO | 19/09/2023 17:10

Tình trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp nợ lương của công nhân, người lao động kéo dài diễn ra trong thời gian gần đây thật sự rất đáng để quan tâm và gây ra nhiều hệ lụy lẫn bức xúc.

Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 100 người lao động tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (Techgel) bị nợ lương và Bảo hiểm xã hội, khiến họ rơi vào tình cảnh khó khăn, người phải mượn nợ, người không có tiền lo cho con đi học.

Sau nhiều lần đối thoại, gần nhất là ngày 22.8, doanh nghiệp hứa sẽ có kế hoạch chi trả lương cho người lao động. Sau đó, ngày 25.8, Công ty Techgel ban hành thông báo chi trả lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động, cụ thể thời gian chi trả lương và bảo hiểm xã hội được chia thành 4 đợt bắt đầu từ ngày 30.9 và kết thúc vào ngày 30.12.2023.

Đối với rất nhiều công nhân lao động đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, tiền lương hàng tháng là khoản thu nhập duy nhất và hầu như ngoài tiền lương bản thân của công nhân lao động hoàn toàn không có các khoản thu nhập nào khác ngoài tiền lương tiền công.

Việc cơ quan, doanh nghiệp liên tục nợ tiền lương kéo dài của người lao động như thời gian gần đây đã khiến cuộc sống của nhiều người lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, khốn đốn. Bởi ngoài bản thân họ còn có cả một gia đình là vợ chồng, con cái và cha mẹ già, là những người mà họ phải có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng.

Khi bị cơ quan, doanh nghiệp nợ tiền lương kéo dài, có công nhân lao động đành phải nghỉ việc để tìm kiếm công việc mới đảm bảo thu nhập cũng như đời sống của mình và gia đình. Thậm chí có người còn “vay nóng” với lãi suất cắt cổ để chi tiêu, giải quyết khó khăn trước mắt.

Đó là chưa kể, việc nợ tiền lương của người lao động trong nhiều tháng kéo dài điều đó cũng đồng nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn không trích đóng các khoản về chế độ chính sách từ thu nhập là tiền lương, tiền công của người lao động khiến cuộc sống của họ đã khó lại càng thêm khó khăn khốn đốn.

Hiện nay theo quy định của pháp luật lao động hiện, nếu cơ quan, doanh nghiệp chậm chi trả lương cho người lao động từ 15 ngày trở lên buộc phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Ngoài ra, hành vi chậm trả lương hoặc hành vi cố tình trây ì, không trả lương kéo dài, hành vi trả lương không đúng hạn của các cơ quan, doanh nghiệp còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động được quy định tại Khoản 2, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về việc xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiền lương. Theo đó tùy theo mức độ vi phạm đối với số người lao động mà cơ quan, doanh nghiệp nợ lương kéo dài, trả lương không đúng hạn sẽ bị xử phạt với mức phạt ít nhất từ 5.000.000 đồng cho đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 1 người lao động cho đến trên 301 người lao động trở lên.

Đối với các cơ quan có thẩm quyền, cần nhanh chóng phát hiện, nắm bắt kịp thời các thông tin và nhanh chóng vào cuộc nhằm có các biện pháp, hướng xử lý kịp thời hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp trong việc vi phạm về thời hạn trả lương, nợ tiền lương của người lao động kéo dài, đảm quyền lao động và quyền có được thu nhập chính đáng của người lao động.

Ngoài ra việc nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật lao động có liên quan theo hướng mạnh tay hơn và tăng nặng các mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong thời hạn trả lương, đối với các hành vi cố tình nợ tiền lương của người lao động kéo dài…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn